Mới đây, UBND TP HCM vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho tuyến vành đai 4 TP.HCM. Với những cơ chế này, nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua, dự án vành đai 4 sẽ có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai dự án.
Theo Sở GTVT TP, dự án vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, dự án vành đai 4 có tính kết nối giao thông liên vùng rất quan trọng trong giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics.
Tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đã xác định đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành đường vành đai 4 TP.HCM.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 483 bổ sung dự án đường vành đai 4 vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị và triển khai đầu tư tuyến đường này đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả về tính kinh tế - kỹ thuật là rất cần thiết.
Các cơ chế cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến vành đai 4 mà TP đề xuất tập trung vào nguồn vốn, quy hoạch, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Tương tự về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án xây dựng, quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán đầu tư và một số cơ chế khác cũng được đề xuất.
Dự án đường vành đai 4 TP.HCM dài hơn 206km. Trong đó, TP.HCM được giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai 17,3km, Bình Dương 47,45km. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai 18,1km, Đồng Nai 45,6km và tỉnh Long An 78,3km.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành vận dụng Nghị quyết số 98 của Quốc hội để đồng loạt khởi công 3 dự án trọng điểm gồm cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và vành đai 4 vào dịp 30-4-2025.