Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết thị trường bất động sản TP.HCM rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường do năm nguyên nhân.
Thứ nhất là hệ thống pháp luật (công tác lập pháp, lập quy), chưa thật sự đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thứ hai là phương thức xây dựng các Luật phổ biến theo kiểu "Luật khung; Luật ống", dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của bộ, ngành đề xuất Luật, do đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo 100% chuyên trách.
Thứ ba, khâu yếu nhất vẫn là công tác thực thi pháp luật của các bộ, ngành và các địa phương. Thứ tư là quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm rà, bất cập. Thứ năm là trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục.
Thị trường bất động sản TP.HCM đang khó khăn lại tiếp tục chững lại vì dịch Corona.
"Do thị trường bất động sản có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể đối diện với nguy cơ phá sản" - ông Châu chia sẻ.
Đặc biệt, trong diễn biến của dịch Corona, HoREA kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế... để giúp một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn.
Đồng thời, ông Châu cho biết hiệp hội đã gửi kiến nghị một số giải pháp tới các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
HoREA cho hay cũng kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về đất đai, về đầu tư, về xây dựng, về nhà ở, về kinh doanh bất động sản, về dân sự để đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông. Cụ thể, theo HoREA, Quốc hội cần xem xét ban hành mới Luật Đất đai vào năm 2021, sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII quyết định đường lối phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045, 2050. Nếu vẫn giữ lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai trong năm 2020 thì không còn phù hợp nữa.
Ngoài ra, hiệp hội đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự và các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị trong năm 2020, đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông.
Bên cạnh đó, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung “Chương trình mục tiêu nhà ở xã hội” vào Điều 7 Nghị quyết 1023/2015 về “Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020”, để Chính phủ có căn cứ pháp luật, có nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014, mà hiện nay đang bị ách tắc.
Kiến nghị quan trọng được HoREA nhắc tới là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để sớm tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” cụ thể của thị trường bất động sản, để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, trước hết là người có thu nhập trung bình,... Xem xét ban hành một nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều nghị định có liên quan theo thủ tục hành chính rút gọn, để giải quyết ngay các vướng mắc, khó khăn của nền kinh tế và thị trường bất động sản.
HoREA đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.
Đối với các dự án nhà ở sử dụng quỹ đất công thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có). Cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
HoREA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh rà soát toàn diện và triệt để nhằm cải cách thủ tục hành chính thực chất, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đảm bảo tính phục vụ và trách nhiệm giải trình.
Bên cạnh đó, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm giải quyết, để ổn định trạng thái tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp của một số cán bộ công chức thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản, do có xuất hiện yếu tố “rủi ro” trong thi hành công vụ.