Đến 30-9 phải hoàn thành việc cấp CCCD gắn chip theo yêu cầu của công dân

(PLO)- Thường vụ Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; triển khai tích hợp thông tin, ứng dụng thẻ CCCD trên các lĩnh vực, góp phần giảm bớt các giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XV vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành.

Theo đó, UBTVQH đánh giá cao phần trả lời chất vấn, đồng tình và ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như ý kiến của các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn.

UBTVQH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Bảo đảm đúng tiến độ bỏ hộ khẩu giấy

Đáng chú ý, UBTVQH yêu cầu chậm nhất ngày 30-9 hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử theo yêu cầu của công dân có đủ điều kiện theo quy định, bảo đảm dữ liệu khi đưa vào khai thác phải chính xác, đầy đủ và kịp thời.

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục triển khai tích hợp thông tin, ứng dụng thẻ CCCD trên các lĩnh vực, góp phần giảm bớt các giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Đẩy mạnh thực hiện các nội dung bảo đảm thực hiện đúng tiến độ việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy bắt đầu từ 1-1-2023 theo đúng quy định tại Luật Cư trú (sửa đổi).

TVQH cũng yêu cầu trong tháng 9-2022 phải ban hành văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện việc trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD và các hệ thống thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm quyền khai thác thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các dịch vụ công phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, hộ chiếu theo mẫu mới của công dân Việt Nam, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH mới đây. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH mới đây. Ảnh: QH

Ngăn ngừa tín dụng đen, tiêu cực trong cho vay qua app

Sau khi yêu cầu những vấn đề vĩ mô về phòng chống tội phạm, cả về xây dựng lực lượng lẫn thể chế, TVQH yêu cầu phải tích cực triển khai phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”.

Cùng với đó là phải có giải pháp đấu tranh hiệu quả với các hình thức “tín dụng đen” qua mạng xã hội, các ứng dụng (app), trang mạng (website).

Xử lý triệt để các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có hành vi “tiếp tay”, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.

Xử lý nghiêm trách nhiệm đơn vị, cá nhân thiếu quyết liệt, không chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn nhưng bị đơn vị, địa phương khác hoặc cơ quan Trung ương phát hiện, xử lý.

Sớm ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Lĩnh vực an ninh mạng cũng được lưu ý toàn diện, từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đến xây dựng, hoàn thiện hạ tầng. TVQH lưu ý phải sớm ban hành nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng cũng như Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các loại tội phạm công nghệ cao như đánh bạc, lừa đảo được lưu ý phải chủ động phát hiện và ngăn chặn. Các giải pháp ứng phó với các vấn đề mới về an ninh mạng cũng được yêu cầu làm tốt.

“Tăng cường vai trò và đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia, Tiểu ban An toàn, an ninh mạng tại các địa phương; nghiên cứu thành lập Tiểu ban An toàn, an ninh mạng tại các Bộ, cơ quan của Chính phủ và các ban đảng ở Trung ương” - Nghị quyết nêu.

Đặc biệt, TVQH yêu cầu tổ chức triển khai Nghị định về kinh doanh đặt cược, đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Nếu cần thiết thì đề xuất sửa đổi Nghị định này để vừa phát triển kinh tế, phát triển ngành nghề dịch vụ đặc thù, vừa quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa, hạn chế đánh bạc, đặt cược trái phép và các vi phạm pháp luật từ hoạt động này.

Chủ động vô hiệu hóa thông tin xấu, độc

Thường vụ quốc hội yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng Internet, mạng xã hội, báo chí.

Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu, độc, các cá nhân, tổ chức đưa tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước.

Hoàn thiện và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng; xử lý căn cơ tình trạng sim rác.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, bóc gỡ các video clip, thông tin sai sự thật trên không mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới.

Chú trọng làm tốt công tác thông tin, truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho công dân, nghiên cứu đưa vào nhà trường giáo dục về kỹ năng số.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm