Theo báo cáo từ ban lãnh đạo của trường, hiện ĐH Quốc gia TP.HCM có 5 trường ĐH thành viên với hàng chục ngàn sinh viên theo học. Mỗi năm toàn hệ thống có khoảng hơn 51.000 sinh viên chính quy ra trường, đào tạo thành công hơn 8.700 thạc sĩ, 364 tiến sĩ.
Những năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM ngày càng phát triển lớn mạnh cả về chất lượng lẫn quy mô. Trường không ngừng đầu tư và đổi mới đào tạo để trở thành trường dẫn đầu cả nước về đào tạo nguồn nhân lực. Năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM lọt vào top 701-750 ĐH hàng đầu thế giới.
Một buổi học tại trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM
Tuy nhiên, báo cáo từ Ban Kế hoạch tài chính của ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, đến nay trường vẫn chưa thực hiện được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 16 của Chính phủ từ năm 2015 vì đang chờ các văn bản hướng dẫn từ các Bộ. Nguồn thu hiện tại vẫn từ bốn nguồn là ngân sách nhà nước, học phí và lệ phí, tài trợ và viện trợ từ bên ngoài, hoạt động đào tạo - sản xuất kinh doanh và nguồn hợp pháp khác.
Trong đó, nguồn thu chính của các trường ĐH thành viên hiện nay vẫn là học phí khoảng 562 đến 784 tỷ đồng/năm, chiếm 40% số thu. Số thu từ hoat động dịch vụ và sản xuất kinh doanh khoảng 320-410 tỷ đồng/năm. Còn lại là từ ngân sách chiếm từ 25% đến 35% số thu để chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên.
Điều đáng nói, trong những năm qua nguồn ngân sách cấp ngày một giảm nên nguồn chi cho phát triển cũng giảm mạnh trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo ngày càng cấp bách. Hiện ĐH Quốc gia TP.HCM đã chủ động tìm nguồn vốn bằng vay vốn kích cầu của TP.HCM và trả dài hạn để có nguồn đầu tư cho trang thiết bị, cơ sở vật chất nghiên cứu khoa học.
Do đó, để giải quyết vấn đề này, Ban Kế hoạch tài chính của trường đề xuất trường ĐH Quốc gia TP.HCM cần được tự chủ trong phê duyệt mức thu học phí trên cơ sở chi phí đào tạo mà không phụ thuộc khung học phí của nhà nước quy định.