ĐH Việt làm gì để hội nhập ASEAN?

Năm 2015 hình thành Cộng đồng ASEAN, sẽ cho phép người lao động di chuyển trong khu vực, điều này có nghĩa lao động Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh việc làm từ lao động các nước. Thời gian chỉ còn hơn một năm, nếu các trường và ngay chính sinh viên không tự thay đổi mình để hội nhập thì các kỹ sư, cử nhân Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước trong khu vực.

Điều chỉnh đào tạo theo hướng quốc tế hóa

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác Học sinh, sinh viên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Hiện nay thông tin về hội nhập ASEAN vào năm 2015 rất ít trường biết hoặc nếu biết thì cũng không có một sự chuẩn bị nào. Do vậy mà định hướng nghề nghiệp của người học gần như vẫn còn gói gọn trong thị trường Việt Nam nhiều hơn”.

Theo TS Mai, để hội nhập sau năm 2015 chắc chắn chỉ có một ít trường làm được điều này, đó là những trường đã xây dựng chương trình học bằng tiếng Anh, sinh viên có lợi thế về ngoại ngữ và chương trình được đào tạo theo chuẩn của nước ngoài. “Lâu nay đào tạo chỉ gói gọn trong thị trường Việt Nam nên sau năm 2015 chỉ những chương trình dạy bằng tiếng Anh, tiếng Pháp như chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp, chương trình kỹ sư tài năng, chương trình tiên tiến thì sinh viên mới dễ dàng hội nhập” - bà Mai nhận định.

ĐH Việt làm gì để hội nhập ASEAN? ảnh 1

Để hội nhập ASEAN, trước hết sinh viên phải tự rèn kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: QUỐC DŨNG

Thấy được lợi thế của tiếng Anh, không chỉ ngành ngoại ngữ mới đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh mà các ngành khác của Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM như quản trị kinh doanh, du lịch khách sạn, quan hệ quốc tế, tài chính-ngân hàng… sinh viên cũng được đào tạo bằng tiếng Anh. TS Hồ Tấn Sính, Trưởng ban Đảm bảo chất lượng của trường, cho biết: “Nhiều năm nay sinh viên chúng tôi có lợi thế hội nhập nhanh trên thị trường lao động khi tham gia phỏng vấn tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Mặc dù không đào tạo chương trình tiên tiến như các trường công lập khác nhưng trong quá trình học, sinh viên học bằng tiếng Anh cũng là một lợi thế”.

Tại Trường ĐH Hoa Sen, nhiều năm nay sinh viên có thể lựa chọn chương trình học, tài liệu học tập bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. ThS Đỗ Sỹ Cường, Phó Hiệu trưởng, cho hay: “Chúng tôi khuyến khích sinh viên học theo chương trình tiếng Anh, vì tương lai không xa sinh viên sẽ phải cạnh tranh gay gắt với lao động nước ngoài ngay chính tại Việt Nam. Nếu không có ngoại ngữ, sinh viên sẽ thất bại trên sân nhà của mình”.

Phải tham gia các tổ chức kiểm định

TS Lê Thị Thanh Mai nhận định: “Một trong các bước chuẩn bị để hội nhập ASEAN tốt nhất là các trường phải đăng ký kiểm định hoặc đánh giá bởi các tổ chức kiểm định quốc tế hoặc các chuẩn theo hệ thống kiểm định mà khối ASEAN chấp nhận với nhau. Bởi các nước cùng hợp tác với nhau có lợi thế công nhận lẫn nhau về bằng cấp và tín chỉ; tạo điều kiện trao đổi sinh viên, sinh viên có thể tham gia theo học một số học kỳ của trường ĐH trong nước và sau đó học một số học kỳ tại một trường ĐH khác và sau khi tốt nghiệp bằng đó sẽ được công nhận chung trong các nước ASEAN”.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin: “Chúng tôi phấn đấu đến năm 2015 có 6-7 ngành đào tạo truyền thống đạt theo chuẩn AUN. Ngoài ra, lựa chọn các khoa như thú y, công nghệ thực phẩm, nông học, lâm nghiệp, thủy sản… lập đề án xây dựng ngành đào tạo đạt chuẩn khu vực”.

Còn ThS Trịnh Minh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Hiện nay, một ĐH được xếp hạng thứ bao nhiêu theo một hệ thống xếp hạng nào đó của thế giới rất đáng được quan tâm. Chúng tôi xác định mục tiêu trường sẽ trở thành một ĐH nghiên cứu được xếp hạng 60 ở châu Á vào năm 2037 nên năm nay đã chính thức tham gia hệ thống xếp hạng QS World University Rankings (Anh). Ngoài ra, trường cũng thống nhất với chín trường ĐH ở Đài Loan, một trường ở Hà Lan, một trường ở Đức và ba trường ở Việt Nam thành lập Mạng lưới ĐH thân hữu (University Network) để tiến tới sinh viên các trường có thể trao đổi lẫn nhau. Bên cạnh đó, trường cũng mời được 20 giáo sư nước ngoài thỉnh giảng và cố vấn cho trường trong các hoạt động nghiên cứu, hợp tác và phát triển”.

Hai tổ chức kiểm định đầu tiên của Việt Nam

Tháng 9-2013, Bộ GD&ĐT đã quyết định thành lập tổ chức kiểm định đầu tiên của Việt Nam là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-CEA). VNU-CEA được quyền đánh giá và công nhận cho các trường ĐH và các chương trình đào tạo ở trong nước, ngoại trừ các trường, các khoa và các chương trình đào tạo thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Bộ cũng đang xem xét thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TP.HCM (VNU-HCM EAC). Các tổ chức này được quyền đưa ra các quyết định công nhận hay không công nhận các trường ĐH và các chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mà không bị can thiệp bởi bên thứ ba.

TS PHẠM XUÂN THANH, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT)

Tại Việt Nam, hiện có 19 chương trình đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Cần Thơ đã được Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) và chương trình ASEAN-QA đánh giá trong giai đoạn 2007-2013. Như vậy, những sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH này sẽ dễ dàng hội nhập ASEAN vào năm 2015.

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm