Đi lại bình thường sau thay hai khớp háng do hoại tử chỏm xương đùi

(PLO)- Thay khớp háng được xem là phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay đối với bệnh lý hoại tử chỏm xương đùi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 26-8, BS Nguyễn Tấn Lãm, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết nơi đây đã phẫu thuật thay hai khớp háng cùng lúc cho ông LBĐ (59 tuổi, ở TP. HCM) do bị hoại tử chỏm xương đùi.

Trước đó, BV tiếp nhận ông Đ trong tình trạng đau háng hai bên, đi lại rất khó khăn do hoại tử chỏm xương đùi hai bên.

Mặc dù đã điều trị hoại tử chỏm xương đùi được 2 năm ở nhiều BV nhưng tình trạng ông Đ vẫn không cải thiện.

Các BV này còn tư vấn ông Đ nên phẫu thuật thay hai khớp háng lần lượt từng chân.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe ông Đ sau thay hai khớp háng cùng lúc. Ảnh: BVCC

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe ông Đ sau thay hai khớp háng cùng lúc. Ảnh: BVCC

Tại BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, sau khi được tư vấn và phân tích cụ thể lợi ích của thay hai khớp háng cùng lúc, ông Đ đồng ý.

Sau 3 ngày phẫu thuật thay hai khớp háng, tình trạng đau nhức cải thiện rất nhiều, có thể đi chậm. Ông Đ tiếp tục được tập vật lý trị liệu để mau phục hồi chức năng vận động.

Theo BS Lãm, ông Đ bị hoại tử chỏm xương đùi trái và phải khá nặng. Nếu phẫu thuật lần lượt từng chân, ông Đ sẽ trải qua hai cuộc mổ lớn vô cùng phức tạp.

“Kỹ thuật thay hai khớp háng cùng lúc giúp ông Đ giải quyết triệt để tình trạng hoại tử chỏm xương đùi và tiết kiệm thời gian bởi lần phẫu thuật thứ hai cách lần phẫu thuật thứ nhất từ 1-2 tháng.

Bên cạnh đó, thay hai khớp háng cùng lúc còn giúp ông Đ tiết kiệm chi phí điều trị” – BS Lãm cho biết.

Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử xương và sụn.

Ban đầu vùng chỏm xương thưa dần, hình thành những nang xương. Lâu dần sẽ gây gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, mất chức năng khớp háng.

Người bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể đối mặt nguy cơ tàn phế rất cao.

“Nguyên nhân gây bệnh hoại tử chỏm xương đùi có thể xuất phát từ các chấn thương như trật khớp, gãy cổ xương đùi.

Bên cạnh đó, sử dụng thuốc glucocoticoides, dùng nhiều bia rượu, ảnh hưởng từ các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, viêm hoặc tổn thương động mạch cũng có nguy cơ gây hoại tử chỏm xương đùi. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới và có xu hướng gia tăng theo độ tuổi” – BS Lãm nói.

Dấu hiệu hoại tử chỏm xương đùi

- Đau nhức khớp háng: Cơn đau xuất hiện ở một hoặc cả hai bên khớp háng, tăng nặng khi người bệnh vận động hoặc đứng lâu.

- Hạn chế tầm vận động của khớp háng: Cơn đau gây nên những khó khăn khi người bệnh vận động khớp háng dù chỉ với những động tác đơn giản như dạng hoặc khép. Đặc biệt, người bệnh gần như không thể thực hiện được tư thế ngồi xổm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm