Gia đình chị K.Trúc, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp thuộc hộ nghèo của xã. Chị phải rời Đồng Tháp lên TP.HCM tìm việc làm để lo cho gia đình. Thế nhưng làm việc chẳng được bao lâu, chị phải mang những thương tật về nhà chỉ vì mâu thuẫn nhỏ với người bạn làm chung.
Theo chị Trúc trình bày, tháng 8-2016 chị xin làm phụ bếp tại một quán cơm trên đường Bạch Đằng, quận Tân Bình. Công việc tại quán ăn cũng không vất vả lắm và chị không xảy ra mâu thuẫn với ai. Ngày 4-12, trong lúc nhân viên của quán đang dọn dẹp, thấy cống nước bị nghẹt, chị Hường nấu bếp bảo chị Trúc móc cống nhưng chị Trúc từ chối vì tay đang có vết thương. Sau đó hai người có lời qua tiếng lại. Tưởng chuyện không có gì nên chị Trúc tiếp tục công việc. Bỗng nhiên từ phía sau, chị Hường hắt nồi thịt kho đang nấu trên bếp đổ vào người chị Trúc. Quá bất ngờ, chị Trúc quay sang thì chị Hường tiếp tục hắt hết phần nước thịt còn lại vào phía trước người.
Chị Trúc đang phải điều trị tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: N.HIỀN
Thấy chị Trúc bị bỏng nặng, chủ quán lấy mỡ trăn thoa lên chỗ bỏng và khuyên chị Trúc về quê điều trị. Dù trong người rất đau đớn nhưng do không có người thân ở TP nên chị Trúc ráng bắt xe ôm ra bến xe, đón xe khách về quê. Về đến nhà, chị Trúc ngất xỉu, gia đình đưa chị vào BV Cao Lãnh điều trị. Đến ngày 14-12, bác sĩ thấy không ổn nên yêu cầu chị chuyển lên BV Chợ Rẫy, đồng thời gia đình chị Trúc nộp đơn tố cáo chị Hường đến Công an quận Tân Bình.
Chị Ngô Thị Tơ, chị chồng của chị Trúc, cho biết: “Gia đình của Trúc khổ lắm, một mình phải nuôi bốn miệng ăn, chồng thì bị câm, điếc, không nghề nghiệp, đứa con năm nay gần 20 tuổi nhưng cũng bị tật, thêm người mẹ 90 tuổi. Từ khi bị tạt nước sôi vào người thì toàn thân Trúc bị lở loét, nhiễm trùng nặng. Tôi phải bán số vàng dành dụm được để lo cho em dâu. Người gây thương tích cho Trúc không một lời hỏi thăm và mất biệt luôn. Công an quận Tân Bình đã đến lấy lời khai nhưng vẫn chưa đưa em tôi đi giám định”.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Công an quận Tân Bình cho biết: “Vụ việc trên đang trong quá trình điều tra, chúng tôi sẽ đưa nạn nhân đi giám định thương tật. Sau khi có kết quả giám định thì sẽ xem xét mức độ phạm tội của người gây bỏng cho chị Trúc. Về việc có tạm giam hay không và liệu có khả năng nghi can bỏ trốn hay không thì sau khi xác định được mức độ phạm tội, chúng tôi sẽ có biện pháp nghiệp vụ để bảo đảm không có việc bỏ trốn. Công an quận sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật, điều tra công bằng, đúng người đúng tội”.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định người nào làm tổn hại đến sức khỏe người khác có tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng hành vi có tính chất côn đồ gây cố tật nhẹ cho nạn nhân thì sẽ bị xử lý hình sự, tùy theo từng mức độ phạm tội mà phải chịu mức phạt tương ứng. “Về bồi thường dân sự, Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút… Cần lưu ý, để chứng minh những khoản chi phí trên, chị Trúc nên lưu giữ các chứng từ, đơn thuốc để cung cấp cho cơ quan tố tụng. Ngoài ra, người bị hại còn được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị...” - luật sư Chánh nói. |