Theo thông lệ quốc tế, việc công nhận hay bổ nhiệm GS là việc của các trường. Theo đó, các trường có thẩm quyền công nhận, bổ nhiệm và chịu trách nhiệm về chất lượng GS của mình. Đó là quan điểm đã được nhiều người phát biểu và phù hợp với thực tiễn chung của các nước có truyền thống học thuật lâu đời.
Quan điểm đó hoàn toàn đúng trong bối cảnh các trường đại học (ĐH) là những thực thể tự chủ và độc lập, nhất là trong những vấn đề chuyên môn. Nhưng hãy thử hình dung nếu Việt Nam áp dụng thực tiễn đó, điều gì sẽ xảy ra?
Chắc chắn là số GS chóng mặt và hệ quả trực tiếp là tình trạng loạn chuẩn mực. Cũng được gọi là GS nhưng GS trường X thì lung linh thành tích quốc tế, GS trường Y thì đến một câu chào bằng tiếng nước ngoài cũng không nói được, tài liệu ngoại ngữ không đọc nổi một trang và nói như cố GS Cao Xuân Hạo: “Đi sau người ta xa đến mức nhìn phía trước không còn thấy ai nữa”. Thậm chí cũng là GS trường X nhưng chất lượng cũng có thể một trời một vực, vì nhiều lý do trường X sẽ định ra đủ loại GS để đáp ứng đủ loại nhu cầu khác nhau của thị trường danh vọng.
Vì sao lại có viễn cảnh đó? Tại sao người ta làm được mà ta thì không? Tất nhiên nước người ta cũng có chất lượng GS khác nhau, do mỗi trường tự định ra yêu cầu và quy trình bổ nhiệm khác nhau nhưng sự khác nhau đó không đến mức cười ra nước mắt như ở Việt Nam.
Có hai lý do chính giải thích cho viễn cảnh trên đây: Một là quan niệm về GS ở Việt Nam hiện nay khác với quan niệm phổ quát trên thế giới: Người ta xem GS là một vị trí trong thang bậc của nghề hàn lâm, còn ta coi GS là một chức danh, một phẩm hàm danh dự, một thứ minh chứng cho mức độ thông thái, tài năng, mà càng thiếu những thứ đó người ta càng cần chứng minh là mình có nó. Hai là trường ĐH ở Việt Nam chưa đạt tới mức độ cao về tính tự chủ và về việc thực hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội như các trường ĐH ở những nước phát triển.
Vì thế, những thứ đúng và tốt ở phương Tây cũng có thể không hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện tại của Việt Nam. Có thể chúng ta cần một bước chuyển tiếp nhất định. Thực ra mà nói, cơ chế hiện nay là đã có dung hòa: Hội đồng Chức danh GS nhà nước chỉ xét và công nhận đạt tiêu chuẩn, còn bổ nhiệm là việc của các trường. Xét cũng gồm hai bước: Định lượng (tiêu chuẩn cứng) và định tính (bỏ phiếu theo từng hội đồng). Tuy vậy, ai cũng hiểu bỏ phiếu mới là khâu quyết định. Về lý mà nói thì xét định tính như vậy không phải là sai, chỉ những người trong cùng lĩnh vực chuyên môn mới đánh giá chính xác năng lực và mức độ đóng góp của một nhà khoa học, điều mà những con số không thể nói lên đầy đủ. Thế nhưng trong thực tế, bỏ phiếu là khâu bị nghi ngờ tiêu cực nhiều nhất.
Có lẽ một bước chuyển tiếp dễ được chấp nhận hơn là Nhà nước không hoàn toàn buông việc công nhận GS cho các trường mà quy định về chuẩn tối thiểu (dựa vào đó các trường cụ thể hóa hoặc nâng cao tùy theo quan điểm và đặc điểm của trường mình), công bố công khai các tiêu chuẩn quy trình xét bổ nhiệm của từng trường, quy định “quota” dựa trên quy mô trường/khoa và đặc điểm ngành.
Nói cho cùng, nhân tố quan trọng nhất để bảo vệ các chuẩn mực học thuật vẫn là con người: Một hệ thống học thuật lành mạnh là một hệ thống mà những người thực sự giỏi giang, tài năng, có phẩm chất, là những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong thang bậc học thuật. Không có những người như vậy ở các vị trí then chốt thì quy định nào cũng có thể bị xói mòn, tiêu chuẩn nào cũng có thể làm giả để đáp ứng.
TS PHẠM THỊ LY, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá giáo dục ĐH - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực 2016-2021