Đi thi không phải “ăn gì bổ nấy”

Đó là lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, sức khỏe khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đang cận kề.

Cha mẹ thoải mái con đỡ căng thẳng

BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, khuyến cáo trong thời gian con em ôn thi nên chuẩn bị những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng nhưng không đơn điệu, không cho con ăn hoài những món mà mình cho là bổ não.

Nếu các cháu vì căng thẳng ăn không ngon miệng thì nên có thêm bữa ăn phụ, chuẩn bị sẵn sữa tươi, yaourt, phô mai, trái cây cắt gọt sẵn và bọc nylon sạch sẽ để các cháu tiện dùng khi học bài. Ngoài ra, hãy trò chuyện vui vẻ, đừng tạo áp lực với con, đừng để cho con thấy mình đang lo lắng. “Tóm lại, cha mẹ thoải mái thì con sẽ đỡ căng thẳng. Cách thư giãn tốt là trò chuyện với gia đình, nghe nhạc, thể thao... nên tránh chơi game, xem tivi quá nhiều” - BS Hạnh nói.

Đi thi không phải “ăn gì bổ nấy” ảnh 1

Không nên lạm dụng thuốc bổ tăng cường trí nhớ trong lúc ôn thi. Ảnh: HTD

Không nên lạm dụng thuốc bổ

Nhiều học sinh tỏ ra lo lắng vì ngày thi đã cận kề nhưng cơ thể mệt mỏi, run và không tập trung... muốn dùng thuốc hoạt huyết dưỡng não, thuốc bổ để cải thiện sức khỏe, trí nhớ. BS Hạnh tư vấn: “Không nên dùng thuốc lung tung vì sẽ có tác dụng ngược lại. Còn thuốc hoạt huyết dưỡng não cần cho người cao tuổi hơn là các bạn trẻ. Các em chỉ cần ăn ngủ đủ, vận động thường xuyên để máu lưu thông lên não cung cấp oxy và dưỡng chất cho não hoạt động. Nếu vẫn cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe giảm sút thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể” - BS Hạnh hướng dẫn.

Tương tự, không ít thí sinh tỏ ra thiếu tự tin, vì đầu óc căng thẳng, học hay bị quên thì có nên uống thuốc để giảm căng thẳng, tăng cường trí nhớ? BS Hạnh nói rõ: Chẳng có loại thuốc nào giúp tăng cường trí nhớ. Còn nguyên nhân hay bị quên là do đưa một khối kiến thức quá lớn vào đầu trong một khoảng thời gian ngắn. “Trí nhớ sẽ được củng cố khi thông tin được nhắc lại nhiều lần. Do đó, nếu học và ôn luyện thường xuyên ngay từ đầu năm thì đến cuối năm, khi ôn lại sẽ dễ nhớ hơn” - BS Hạnh tư vấn.

Ngoài ra, BS Hạnh cũng khuyến cáo không nên uống cà phê khi học bài vì sẽ kích thích hệ thần kinh làm tỉnh ngủ nhưng trí óc mệt mỏi sẽ không thể học tốt được. Hơn nữa, tác động của cà phê sẽ làm tim đập nhanh.

Chỉ cho ăn đậu, không cho ăn chuối!

. Sắp đến kỳ thi rồi, em muốn ôn luyện thêm vào buổi tối nhưng cứ bị buồn ngủ và ngủ gật. Có cách nào để thức khuya học bài mà không bị buồn ngủ không ạ?

+ BS Trần Thị Minh Hạnh: Em có thể đi rửa mặt, uống nước trái cây mát, tập vài động tác thể dục, máu lưu thông lên não sẽ giúp tỉnh táo. Đi bộ vài vòng cũng tốt. Nếu vẫn buồn ngủ nghĩa là em đã quá mệt mỏi rồi thì nên… đi ngủ và thức dậy sớm vào buổi sáng để ôn bài.

. Thời gian này, bữa ăn nào ba mẹ cũng cho ăn một món đậu (đậu luộc, đậu xào, đậu hủ, chè đậu….), chuối và trứng thì không bao giờ xuất hiện trong nhà. Em biết như vậy là mê tín nhưng không làm sao giải thích được với ba mẹ...

+ Em hãy nói với ba mẹ đổi món cho em mỗi ngày thì em sẽ ăn ngon miệng và ăn được đầy đủ hơn. Chuối, trứng đều là những món ăn tốt cho sức khỏe và hoạt động của não bộ. Đậu là thực phẩm tốt cho cơ thể, tuy nhiên, nếu ngày nào cũng ăn đậu thì sẽ rất ngán. Do đó, hãy ăn đa dạng để nhận được đầy đủ các dưỡng chất từ các loại thực phẩm khác nhau, em nhé.

. Em nghe nói khi học thi nên ăn óc heo, vậy ăn óc heo và mộc nhĩ trước ngày thi và trong thời gian học như thế nào là tốt nhất?

+ Từ trước đến giờ, nhiều người vẫn cho rằng “ăn gì bổ nấy”. Tuy nhiên, điều đó không đúng với việc phải ăn óc heo. Để hình thành tế bào thần kinh thì não cần cả chất béo no lẫn chất béo không no. Chất béo no thì cơ thể có thể tự tổng hợp được, chất béo không no đặc biệt là chất béo omega-3 có trong cá béo. Óc heo thì có nhiều chất béo no và nhiều cholesterol. Do đó, nếu thích thì em vẫn có thể ăn được nhưng không nên ăn thường xuyên và đây cũng không phải là thực phẩm tốt cho não. Mộc nhĩ thì em có thể ăn được như các loại thực phẩm khác.

Để hết run khi vào phòng thi

Nhiều học sinh lo lắng vì hễ bước vào phòng thi là bị run chân tay, ảnh hưởng đến thời gian và kết quả bài làm. đó chỉ là một loại áp lực phòng thi, hoàn toàn có thể khống chế được. Cụ thể, hãy nghĩ cuộc thi là cơ hội mà không phải là một áp lực. Tránh những sự quan tâm quá mức đến giám thị, bạn cùng phòng thi…

TS HUỲNH VĂN SƠN, chuyên gia tâm lý học

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm