Từ lâu, mỗi lần qua lại vùng đất phía Tây Hà Giang, tôi vẫn nghe nói về một hang vàng bí mật, nằm sâu trong lòng một trái núi đá tại thôn Làng Giang (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang), nhưng chưa có dịp tìm hiểu.
Lần này, khi nghe anh Trần Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin, thể thao huyện Hoàng Su Phì gợi lại, tôi lập tức lên đường đến Làng Giang để sáng tỏ thực hư.
Từ ngôi nhà của già làng Nguyễn Văn Minh đến quả núi có hang vàng chỉ vài trăm bước chân. Vị già làng tuổi Quý Tỵ của Làng Giang nhìn qua cửa sổ, hướng ánh mắt thành kính về đỉnh cao nhất trên dãy núi đá phía sau lưng bản, chậm rãi nói:
“Hang chứa vàng hiện vẫn đang nằm tại Thăm Kỳ, là nơi linh thiêng, huyền bí nhất trong vùng. Trong hang núi có chứa vô vàn bạc vàng châu báu, nhưng đó là vàng bạc của thần linh, nên từ xưa đến nay, người dân quanh vùng chẳng một ai dám mạo phạm”.
Cán bộ văn hóa xã Vần Kim Hưởng giới thiệu về hang vàng
Dòng họ Nguyễn của ông Minh từ miền xuôi lên đây, tính đến nay đã có 9 đời gắn bó máu thịt với mảnh đất Làng Giang. Trong bãi bể nương dâu của vùng đất, họ Nguyễn cũng có ba người bị giết hại tại đất này. Bản thân gia tộc ông Minh từ lâu đã là người Tày.
Nhưng cùng với anh cán bộ văn hóa xã Vần Kim Hưởng cân nhắc mãi, già làng cũng đành chịu, không thể dịch sát nghĩa được chữ “Thăm Kỳ” từ tiếng Tày ra tiếng phổ thông.
Nếu gọi là “tảng đá”, “phiến đá”, “thác đá”, “vách đá”… thì đều quá nhỏ bé, không thể hiện hết được tầm vóc hùng vĩ và kỳ lạ của cả núi đá khổng lồ đó.
Nhìn theo hướng tay ông Minh chỉ, Thăm Kỳ rộng dài hàng trăm mét, vững chãi tọa lạc giữa vùng đất đồi lô nhô đá cuội và đất mùn nhưng dường như chỉ là một phiến thống nhất, đứng sừng sững ngạo nghễ.
Toàn bộ núi khum khum như chiếc mai hộp khổng lồ, có vành cổ thật sinh động. Phía trước mấy mươi thước, hướng chính diện, nhô lên một khối đá cực lớn trơ trụi hình đầu rùa đang ngỏng lên thận trọng quan sát bốn bề, người Tày gọi là “Hâu tẩu”.
Càng nhìn, Thăm Kỳ càng có hình dáng giống một cách kỳ lạ con rùa khổng lồ đang chuẩn bị cúi xuống uống nước suối làng Giang trong xanh chảy xiết.
Núi lớn Thăm Kỳ
Thăm Kỳ không cao đến mức có thể làm ngán ngại dân sơn tràng địa phương. Nhưng trong nó ẩn chứa một bức màn linh thiêng, bí mật, chết chóc, nên đã hàng chục năm nay, thậm chí là hàng trăm năm, chẳng ai dám cả gan tự mình khám phá.
Sinh ở địa đầu Tổ quốc, nhưng ông Minh từng cầm súng chiến đấu ở chót mũi Cà Mau, sang cả Campuchia. Là người từng trải, ông không dễ tin vào những chuyện hoang đường. Vị già làng trầm giọng hồi ức quá khứ:
“Đó là ngọn núi thiêng, thờ ngài Hoàng Vần Thùng, là vua của người Tày. Hiện nay, bất cứ người dân nào ở Thông Nguyên cũng biết về Thăm Kỳ và hang thiêng chứa đầy vàng bạc châu báu trong lòng núi. Nhưng chưa một ai được tận mắt nhìn thấy.
Thăm Kỳ cực kỳ linh thiêng. Xưa đến nay, cả người Tày, người Dao ở đây chưa ai dám có thái độ bất kính với Thăm Kỳ, chứ nói gì chuyện dám mở miệng báng bổ. Nhiều thầy cúng làm chủ lễ cúng thần, nhưng cũng chưa bao giờ dám bước chân lên núi đó đâu”.
Một góc Làng Giang
Cứ theo như lời những người già, hang thiêng rất rộng rãi thoáng mát, chứa được cả trăm người. Rộng đến nỗi, trước đây trâu có chạy lạc vào hang, thì đừng đi tìm làm gì mất công.
Vì hang sâu hun hút, không biết nơi nào là đáy. Tìm không thấy được, mà có khi mất cả người lẫn trâu. Cứ để yên, có khi, lâu lâu trâu lại tự trở về nhà.
Ngày trước, người dân địa phương có đám xá lễ chạp gì đều vào hang xin mượn đồ đạc. Bà con cứ đến cửa hang cầu khấn, nói rõ xin mượn những gì, hẹn bao nhiêu ngày đem đến trả, rồi tự nhiên vào mà lấy mang về.
Mâm vàng, chén ngọc, đũa bạc, chuông vàng, khánh ngọc… mượn gì cũng được, nhưng đúng hẹn phải mang đến trả. Ai say xỉn quá mà không đem trả đúng hẹn thường bị “quở phạt”, nhẹ thì bị đau bụng, ốm sốt, nặng thì có thể điên đảo, mất mạng. Lời đồn là như vậy!
Tất cả người dân đều thành kính, tín nghĩa, thực hiện đúng lời nguyện. Họ đều tin rằng, thần rừng Thăm Kỳ luôn báo ứng tức thì, vô cùng khủng khiếp.
Già làng Nguyễn Văn Minh
Ông Minh nói tiếp: “Theo ké (ông) tôi kể, chẳng rõ năm nào, nhưng hôm đó làng có đám cưới. Người ta vào hang vàng mượn đồ vàng ngọc về để dùng. Có trang sức từ hang vàng, cô dâu xinh đẹp lộng lẫy còn hơn hoàng hậu, ai cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Đám cưới xong xuôi, mấy người đàn bà được giao việc đem vàng ngọc đến hang thiêng để tạ ơn và trả lại. Nhưng lúc quay bước trở ra, không thấy cửa hang đâu nữa. Phiến đá lớn trước cửa hang đã đóng xuống tự bao giờ, bịt mất lối ra.
Mọi người vô cùng hoang mang khiếp sợ. Trong im lìm tĩnh lặng, vẫn như nghe những thanh âm huyền bí giận dữ, bực bội văng vẳng bên tai. Những viên dạ minh châu cháy đỏ lên như đôi mắt lửa.
Nhớ đến lời nguyền, một người phụ nữ đứng tuổi giật mình quay lại hỏi đám người đi cùng: “Có ai định trộm cắp thứ gì của Thăm Kỳ không? Nếu có thì mau mau khai ra, kẻo thần giết cả đám”.
Một phụ nữ trẻ lúc giờ đứng tái xanh trong góc bỗng sợ hãi nhè từ miệng ra một đôi bông tai vàng. Thì ra, người này định lén đem về cho riêng mình một món đồ trang sức.
Cả đám người lập tức đem đôi bông tai trả lại chỗ cũ. Rồi cùng quỳ xuống xin thần linh tha tội. Đúng lúc ấy, cửa hang từ từ mở ra. Đám đàn bà ào ra ngoài, vội vã xuống núi.
Chạy đi chưa xa, bỗng họ nghe thấy một tiếng nổ long trời lở đất, đất lở đá bay mù mịt. Phiến đá lớn nặng ngàn cân trước cửa hang vàng đã sập xuống, không còn thấy hang ở đâu…
Từ đó, người trong vùng không ai còn dám bén mảng lại gần Thăm Kỳ nữa. Khu vực Thăm Kỳ trở nên hoang vu, cây cối mọc chằng chịt ngút đến tận đỉnh núi. Muốn đi qua Thăm Kỳ, phải đi theo con đường đất nhỏ đi vòng sát ra bờ suối để tránh lối.
Từ đó, người già bảo trẻ, ai đi qua Thăm Kỳ cũng phải xuống ngựa, bỏ mũ nón, rồi im lặng cúi đầu đi nhanh. Đám cưới, đám ma đi qua cũng vậy, không có ngoại lệ. Ai cũng chỉ dám nhắc đến hang vàng với thái độ kính cẩn khiếp sợ mà thôi.
Lặng nghe câu chuyện nhuốm màu huyền thoại của già làng Làng Giang, tôi bỗng liên tưởng Thăm Kỳ với ngọn núi Văn Dú có chứa kho vàng đầy bí mật của nhà văn Thế Lữ trong truyện đường rừng “Vàng và máu” …
(Còn tiếp)
Theo Lê Quân (VTC News)