Dịch COVID-19 gây nguy cơ gia tăng bạo lực với phụ nữ

Sáng 29-10, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM và Quỹ Rosa - Luxemburg - Stiftung Đông Nam Á tổ chức hội thảo quốc tế về “nữ quyền, giới và pháp luật” - feminism, Gender and law.

Pháp lý nữ quyền có được ứng dụng vào giáo dục?

 Tại hội thảo, TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng bộ môn Luật dân sự Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, trình bày tham luận với nội dung về lý thuyết pháp lý nữ quyền và sự vận dụng lý thuyết này vào công tác đào tạo, nghiên cứu pháp luật tại Việt Nam.

“Việt Nam gần như đã hoàn thiện quy định pháp luật về bình đẳng giới. Tuy nhiên, điều quan trọng là mối quan hệ giữa lý thuyết pháp lý nữ quyền và sự thừa nhận, vận hành của nó trong giáo dục pháp luật ở Việt Nam là có hay không” - nữ diễn giả đặt vấn đề.

Toàn cảnh hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia pháp lý trong và
ngoài nước. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Theo TS Diệp, bối cảnh giáo dục pháp luật ở Việt Nam về nữ quyền cho thấy các học giả chưa thật sự quan tâm đến các vấn đề về giới, đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng về giới.

Ngày nay, nhiều sinh viên được dạy để nhớ và hiểu luật hơn là tìm các quy tắc hay lý thuyết áp dụng để phân tích quy định pháp luật. Công việc của nhiều giảng viên là cung cấp kiến thức pháp luật cho sinh viên bằng cách yêu cầu họ đọc luật hiện hành, đưa ra một số trường hợp giả định, được đơn giản hóa về độ dài, độ khó và yêu cầu họ giải quyết.

Lý thuyết nghiên cứu gần như là vắng bóng khi thảo luận về các vấn đề về giới và phụ nữ. Không có bất kỳ đề cập nào đến lý thuyết nữ quyền hoặc các lý thuyết pháp luật để giải thích quy phạm. Do đó, lý thuyết pháp lý nữ quyền cần được thừa nhận và áp dụng trong giảng dạy, nghiên cứu pháp luật nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn liên quan đến bình đẳng giới.

“Để việc thừa nhận và áp dụng lý thuyết pháp lý nữ quyền trở thành thói quen, không thể thiếu vai trò của các nhà nghiên cứu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tư duy và hành động của các nhà làm luật và thực thi pháp luật” - TS Diệp nói.

Những con số về bạo lực gia đình

Báo cáo của nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình tại Việt Nam năm 2010 cho thấy 34% phụ nữ đã kết hôn từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục trong suốt cuộc đời.

Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 - Hành trình thay đổi thì gần 2/3 (62,9%) phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực về thể chất, tình dục, tâm lý hoặc bạo lực kinh tế bởi chồng/bạn tình vào một thời điểm nào đó trong đời. Đáng chú ý, bạo lực tình dục không do bạn tình gây ra cao hơn đáng kể ở mức 9% năm 2019 so với 2,3% năm 2010.

Trẻ em dưới 15 tuổi bị lạm dụng tình dục gần như gấp đôi vào năm 2019 (4,4%) so với năm 2010 (2,8%).

 

COVID-19 ảnh hưởng quyền của phụ nữ

Tại hội thảo, TS Phan Thị Lan Hương, giảng viên cao cấp Trường ĐH Luật Hà Nội và TS Vũ Phương Ly, chuyên gia Chương trình UN Women Việt Nam, đã nêu lên những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 đến việc thực hành quyền của phụ nữ.

Theo hai nữ diễn giả, dịch COVID-19 gây ra nguy cơ gia tăng bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái do sự hạn chế trong việc quyết định các vấn đề gia đình; sự thay đổi trong mạng lưới an toàn xã hội và khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ. Tác động của dịch COVID-19 có thể làm tụt hậu các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Ngoài ra, hai diễn giả cũng chỉ ra những khuyết điểm trong pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới và chống bạo lực. Cụ thể, Luật Phòng chống bạo lực gia đình có sự giải thích hạn chế về khái niệm bạo lực giới. Luật này loại trừ nhiều hình thức bạo lực phổ biến ở Việt Nam, bao gồm bạo lực tình dục ngoài giao cấu, cưỡng hiếp trong hôn nhân, loạn luân và các hành vi có hại khác như tảo hôn và bạo lực mạng.

Đồng thời, không phải tất cả hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đều bị hình sự hóa và bị nghiêm cấm. Chẳng hạn, việc người chồng ép buộc quan hệ tình dục, cưỡng hiếp người vợ chưa được quy định cụ thể trong BLHS. Ngoài ra, nạn nhân bị quấy rối, bạo lực giới gặp khó khăn khi đưa ra bằng chứng do thành kiến giới từ chính người bị xâm hại lẫn cơ quan, cá nhân tiến hành tố tụng.

Từ những vấn đề thực tế trên, hai diễn giả cho rằng nên sửa Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình để đưa tất cả hình thức bạo lực trên cơ sở giới vào. Ngoài ra, BLHS cần đưa vào các hình thức bạo lực tình dục khác. Hình sự hóa quấy rối tình dục và thúc đẩy tiếp cận công lý thông qua phát triển một hệ thống tư pháp thân thiện và nhạy cảm về giới để bảo vệ quyền của phụ nữ.

 

Lý thuyết pháp lý nữ quyền

Lý thuyết pháp lý nữ quyền được ra đời vào những năm 1970 để đáp ứng nhu cầu về mối liên hệ lý thuyết giữa pháp luật trong các chế độ pháp lý tự do và sự phụ thuộc của phụ nữ vào đàn ông, chế độ phụ hệ và bất bình đẳng giới về tình dục.

Trong thời kỳ hậu dân quyền, phụ nữ được trao quyền phá thai theo hiến pháp, sự phân biệt đối xử trong việc làm đối với phụ nữ và giáo dục không bình đẳng đối với phụ nữ chính thức bị cấm theo chương VII và chương IX của hiến pháp Mỹ.

Vào những năm 1980, ngày càng có nhiều nhận thức về lý thuyết pháp lý nữ quyền như là các chiến lược để đạt được bình đẳng pháp lý và thách thức hiện trạng xã hội.

Năm 1990 đánh dấu một mốc quan trọng trong sự phát triển của lý thuyết pháp lý nữ quyền khi Katherine T. Bartlett giới thiệu bộ ba phương pháp pháp lý nữ quyền. Đó là “đặt câu hỏi hướng đến phụ nữ”, lý luận thực tiễn về nữ quyền và nâng cao nhận thức pháp lý về nữ quyền.

Sau công trình của Barlett thì nhiều nghiên cứu khác nhau đã mở rộng ba phương pháp pháp lý nữ quyền ở trên hoặc xem xét tác động của chúng đối với việc xây dựng, giải thích pháp luật và tác động của chúng đối với giảng dạy và thực hành luật.

TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, Trưởng bộ môn Luật dân sự Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm