Ngày 13-5, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM để nắm bắt tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Khẩn trương triển khai chi trả
Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH), cho biết TP.HCM là địa phương triển khai khá sớm chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Ngày 24-4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15 thì ngày 29-4, TP đã có văn bản triển khai, phân bổ xuống 24 quận, huyện với tổng kinh phí 640 tỉ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ.
Đới với nhóm hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng tính đến ngày 12-5, số người được nhận hỗ trợ là 32.538/33.133 người, chiếm 98,20% số người được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 48 triệu đồng.
Nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng tính đến ngày 12-5, số người đã nhận hỗ trợ là 120.029/124.528, chiếm 96,50% với tổng số tiền đã hỗ trợ hơn 180 triệu đồng.
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo riêng của TP, tính đến ngày 12-5, TP đã chi hỗ trợ cho 103.535 người, chiếm 100% số người được hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 77 triệu đồng.
Như vậy, đa số đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong diện cần hỗ trợ đều đã nhận được tiền với tỉ lệ trên 90%.
Đối với giáo viên, nhân viên trong cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ không đủ điều kiện hỗ trợ do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15.529 người.
Ông Nguyễn Vũ Bảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Linh Tây (quận Thủ Đức, TP.HCM), đến tận khu trọ để trao số tiền hỗ trợ 750.000 cho bà Nguyễn Thị Phước. Ảnh: THANH TUYỀN
“Do chưa đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ theo tiêu chí đề ra nhưng người lao động không có lỗi, đây là sai sót từ phía người sử dụng lao động. Do đó, TP vẫn quyết định hỗ trợ cho nhóm đối tượng này” - ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nói thêm.
Còn những nhóm hỗ trợ khác, mức chi trả chiếm tỉ lệ không cao do gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đối với việc hỗ trợ nhóm lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm như người bán lẻ vé số lưu động, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND 24 quận, huyện rà soát danh sách người bán vé số để chuyển Ủy ban MTTQ Việt Nam TP chi hỗ trợ.
Đến ngày 12-5, trên địa bàn TP có 25.140 người bán vé số bị mất việc làm trong tháng 4. Trong đó, từ ngày 1 đến 15-4, TP đã chi khoản hỗ trợ trên 18.455 người, với mức 750.000 đồng/15 ngày mất việc làm. Hiện nay, TP đang chi bổ sung nhóm đối tượng này.
Đối với người lao động làm công việc khác như bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái mô tô hai bánh chở khách, xích lô chở khách..., ngày 11-5 Sở LĐ-TB&XH đã có tờ trình trình Thường trực UBND TP về dự toán kinh phí hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Dự kiến có 284.098 người được hỗ trợ với kinh phí dự toán 852 tỉ đồng. |
Gặp không ít khó khăn
Ông Lê Minh Tấn cũng cho biết trong quá trình thực hiện chi trả cho các nhóm đối tượng, TP cũng đã gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, đối với người lao động bị mất việc làm phải có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn về việc người lao động không có thu nhập hoặc có thu nhập dưới mức chuẩn cận nghèo của TP theo Quyết định số 07 ngày 15-3 của UBND TP.
Ngoài ra, mức chuẩn cận nghèo của TP là thu nhập trên 28 triệu đồng/người/năm đến 36 triệu đồng/người/năm, do đó dẫn đến một số vấn đề như: Việc xác định mức thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo theo tháng thực hiện như thế nào cho phù hợp? Việc xác định thu nhập của tháng tính như thế nào, lấy theo tháng mà người lao động bị mất việc hay bình quân các tháng trước khi mất việc làm? Hơn nữa, căn cứ vào cơ sở như thế nào để UBND xã, phường xác nhận thu nhập của người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do dịch COVID-19?
Mặt khác, đa phần người lao động tự do trên địa bàn TP.HCM đến từ nhiều tỉnh, thành khác của cả nước và chỉ đăng ký tạm trú tại TP. Tỉ lệ người lao động tự do bị mất việc làm tạm trú trên địa bàn TP chiếm khoảng 40% số lao động tự do. Do đó, để đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 42, Quyết định 15 thì người lao động phải có xác nhận của UBND phường, xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú dẫn đến việc chi trả cho đối tượng này tốn thêm thời gian, chi phí cho người lao động.
Đơn vị tiên phong thực hiện chính sách hỗ trợ TP.HCM là một trong những địa phương triển khai rất nhanh và sớm các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trước khi có Nghị quyết 42, TP cũng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân. TP vừa triển khai song song Nghị quyết 02 của UBND TP, thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Chính phủ. Nghị quyết 02 của TP đã phủ khắp các đối tượng. Trong khi Nghị quyết 42 của Chính phủ chỉ đề cập đến một số nhóm cơ bản vì phải cân đối nguồn, không vượt quá mức trần. Trong khi nhiều địa phương còn loay hoay ở bước xác định đối tượng nhận tiền hỗ trợ thì TP đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu trung ương giao phó. TP thực hiện rất chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng trục lợi chính sách. Đây là gói hỗ trợ khẩn cấp, ngay tức thì. Tôi đề nghị sở quan tâm chỉ đạo các quận, huyện giải quyết càng nhanh càng tốt. Ông LÊ TẤN DŨNG, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH |