Dịch COVID-19 ngày 11-4: Không loại trừ bệnh nhân nặng tử vong

Thông tin từ Bộ Y tế, đến 6 giờ sáng 11-4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm nào. Các ổ dịch Bạch Mai, Buddha, Bình Thuận tương đối được kiểm soát.

Đến 11-4, tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam là 257, trong đó 159 người từ nước ngoài (chiếm 61,9%), 98 người lây nhiễm thứ phát.

Tổng số người cách ly do tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 75.337. Trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.290; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 20.005; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 54.042.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tổng số bệnh nhân đã khỏi bệnh: 144 ca. Hiện còn 113 bệnh nhân đang điều trị tại 16 cơ sở khám chữa bệnh, cụ thể:

+  70 ca đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương.

+ 39 ca đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh.

+  4 ca đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.

Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 20

Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 8

Nhận định về khả năng điều trị của các bệnh nhân nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, rất nặng đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Hội chẩn trực tuyến thông tin về các bệnh nhân nặng chiều 10-4.

Thứ trưởng Sơn cho biết ngoài vấn đề mức độ độc tính của virus, bệnh nhân số 91 là phi công còn bị béo phì. Đây có thể là nguyên nhân khiến diễn biến nặng. 

"Chúng tôi đánh giá với các bệnh nhân nặng tiên lượng tử vong vẫn còn", ông Sơn nói.

Theo Thứ trưởng Sơn, Bộ Y tế đã tập hợp các bác sĩ giỏi nhất, chuyên gia đầu ngành để hội chẩn, dùng các phương tiện tốt nhất để cứu chữa những bệnh nhân nặng.

Bộ Y tế cũng giao các bệnh viện hàng đầu về bệnh nhiễm và huyết học nghiên cứu tách chiết huyết tương từ người khỏi để điều trị cho các bệnh nhân nặng theo phác đồ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 10-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Do đó, chúng ta cần đồng lòng, có niềm tin, ủng hộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo, hướng dẫn của ngành y tế".

Phó Thủ tướng chia sẻ ngay trong điều trị, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc phác đồ điều trị chuẩn. Vì vậy, chúng ta không thể thụ động, chờ đợi từ bên ngoài mà chủ động thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc, phác đồ điều trị dù chưa có cơ sở khoa học đầy đủ như lúc bình thường. Những loại thuốc hay phác đồ nào có thể có xác suất thành công thì đều được nghiên cứu, xem xét đưa vào.

Ngay trong chống dịch SARS năm 2003, phác đồ điều trị của Việt Nam đã được cả thế giới sử dụng. Hiện nay, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam cũng rất tốt, số người khỏi bệnh nhiều.

Tuy nhiên, phác đồ mới chỉ là kiến thức trên giấy còn bác sĩ mới là người điều trị trực tiếp cho từng bệnh nhân. “Chúng ta hãy đặt niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ và hãy lạc quan. Hiện nay các cơ sở điều trị đều được kết nối, được hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia giỏi nhất” - Phó Thủ tướng bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm