Việt Nam có thêm 2 ca dương tính trở lại với SARS-CoV-2

Chiều 29-4, theo báo cáo của Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam ghi nhận thêm 2 bệnh nhân dương tính trở lại với SARS-CoV-2.

Theo đó, người thứ nhất là bệnh nhân 130 (BN130). Đây là ca bệnh được đánh giá phức tạp.

Bệnh nhân nam, 30 tuổi, nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Cơ sở 2 ngày 23-3. Bệnh nhân được điều trị ổn định, công bố khỏi bệnh ngày 30-3, sau đó tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Cơ sở 2.

Đến ngày 4-4, bệnh nhân xét nghiệm cho kết quả dương tính lại sau 6 lần âm tính liên tiếp. Ngày 19-4, bệnh nhân tiếp tục có kết quả xét nghiệm dương tính lại sau 7 lần âm tính liên tiếp. Các xét nghiệm ngày 25 và 26-4 tiếp tục cho kết quả dương tính.

Người thứ hai (BN50) là nam, 50 tuổi, nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Cơ sở 2 ngày 13-3.

Đây là ca bệnh rất nặng, phải thở máy qua nội khí quản, đã được bệnh viện điều trị khỏi bệnh, ra viện ngày 14-4. Sau đó vẫn được tiếp tục theo dõi thêm 14 ngày tại bệnh viện theo quy định.

Đến ngày 21-4, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính lại sau 5 lần âm tính liên tiếp; kết quả xét nghiệm ngày 24-4, 27-4 vẫn dương tính.

Hiện cả 2 bệnh nhân vẫn đang tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Cơ sở 2.

Ở một diễn biến khác, tính đến nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 270 ca nhiễm COVID-19. Từ ngày 16-4 tới nay, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong suốt 13 ngày đã qua.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 29-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sẽ là thời gian để các cấp, các ngành tiếp tục rà soát những nhiệm vụ đang thực hiện, chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống dịch để sau khi nghỉ lễ, toàn bộ xã hội trở lại cuộc sống bình thường.

Ban chỉ đạo nhấn mạnh Bộ GD&ĐT cần đôn đốc các tỉnh/TP giải quyết những vướng mắc trong việc mở cửa lại trường học, đảm bảo học sinh đi học lại bình thường. Cùng với đó, các bộ, ngành hoàn thiện văn bản để quy định đảm bảo sản xuất, kinh doanh cho người dân trong thời kỳ mới.

Đặc biệt, Bộ Y tế cần đôn đốc các địa phương tham khảo mô hình bộ tiêu chí chấm điểm như TP.HCM và nghiên cứu, bổ sung thêm tiêu chí đánh giá, từ đó có thể tự chấm điểm và quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm