Ngành sức khỏe giảm mạnh
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi.
Năm trước, trường hợp một nam sinh đạt 29,35 điểm vẫn trượt ĐH Y Dược TP.HCM dù điểm chuẩn lấy 29,25 thì năm nay, điểm chuẩn cao nhất của trường là Y đa khoa, lấy 24,95 điểm. Như vậy, so với năm trước đã giảm 4,3 điểm. Ngành Răng-Hàm-Mặt có điểm chuẩn 24,45 điểm, giảm 4,55 điểm so với năm 2017. Ngành thấp nhất là y tế công cộng 18 điểm, giảm 4,25 điểm so với năm 2017.
Năm 2018 là năm thứ hai Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) tuyển sinh trong phạm vi cả nước. Với 23,3 điểm, Răng-Hàm-Mặt là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất của trường. Tuy nhiên, so với điểm chuẩn năm 2017 đã giảm 4,75 điểm; còn ngành Y đa khoa là 22,7 điểm, giảm gần 5 điểm.
Còn tại khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay điểm trúng tuyển ngành Y khoa cao nhất là 22,1 điểm. Đối với ngành Dược học, điểm chuẩn là 22.
Năm ngoái, mức trúng tuyển của từng ngành như sau: Y đa khoa 28,25 điểm; Y đa khoa chất lượng cao 26,5 điểm; Dược học 26,5 điểm. Như vậy, so với năm 2017, điểm chuẩn ngành Y khoa giảm hơn 6 điểm, ngành Dược học giảm 4,5 điểm.
Trường ĐH Y Hà Nội cán mốc kỷ lục với điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa lên tới 29,25 kèm theo bốn tiêu chí phụ. Thế nhưng năm nay, điểm chuẩn ngành này đã giảm 4,5 điểm, chỉ còn 24,75. Hầu hết các ngành cũng có xu hướng giảm 4-6 điểm.
Ngành sư phạm cũng giảm theo
Để đảm bảo chất lượng, đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng mức điểm sàn cho ngành sư phạm với hệ đại học là 17 điểm.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Sư phạm tiếng Anh với 22,55 điểm. So với điểm chuẩn năm 2017, điểm chuẩn đã giảm gần 4 điểm. Tương tự là Sư phạm hóa học (21,8 điểm) giảm 4,2 điểm so với năm ngoái. Sư phạm vật lý (21,00 điểm) giảm 4 điểm. Sư phạm ngữ văn (21,50 điểm) giảm 3,75 điểm. Sư phạm địa lý (20 điểm) giảm 3,5 điểm…
Đại diện nhà trường cho biết mức điểm chuẩn có giảm so với năm ngoái nhưng so với mặt bằng chung đầu vào thì điểm trường sư phạm khá cao.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có nhiều ngành có điểm chuẩn dao động ngưỡng điểm sàn của Bộ GD&ĐT đưa ra là 16 như Triết học, Văn học, Tâm lý học, Sinh học, Công tác xã hội. Ngành lấy điểm cao nhất là Sư phạm toán học (dạy toán bằng tiếng Anh) khối D với mức điểm chuẩn 24,8 điểm. Trong khi đó, năm ngoái trường có điểm chuẩn cao nhất là 27,75. Nhìn chung, điểm chuẩn hầu hết ngành, ở các tổ hợp môn đều giảm so với năm 2017.
Trong khi đó, điểm chuẩn các ngành sư phạm của ĐH Vinh (Nghệ An) năm nay lại tăng. Năm ngoái, trường áp một mức điểm chuẩn chung cho các điểm chuẩn của ngành sư phạm (Sư phạm tự nhiên, Sư phạm xã hội, Kinh tế, Kỹ thuật công nghệ, Nông lâm ngư) là 15,5 thì năm nay, điểm trúng tuyển cao nhất vào ĐH Vinh ngành Sư phạm tin học, Sư phạm vật lý, Giáo dục chính trị ở mức 20 điểm. Ngành Sư phạm toán học lấy 19 điểm, các ngành sư phạm còn lại lấy bằng mức điểm sàn.
Ở các tỉnh, ĐH Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam lấy điểm chuẩn các ngành sư phạm đúng bằng ngưỡng tối thiểu Bộ Giáo dục quy định. ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), các đại học Đà Lạt, Phú Yên, An Giang, Cần Thơ... điểm chuẩn ngành sư phạm giảm 1-3 điểm tùy ngành.
Nhiều địa học địa phương lấy điểm chuẩn 13-14
58/124 ngành của Trường ĐH Huế lấy điểm trúng tuyển đợt 1 tuyển sinh hệ chính quy theo phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 bằng với điểm sàn, tức 13 điểm. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế Huế có 11 ngành, Trường ĐH Nông Lâm có 21 ngành, Trường ĐH Khoa học có 22 ngành...
ĐH Tây Bắc (Sơn La) có đến 10 ngành lấy điểm chuẩn 13, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy ngưỡng 13 cho hầu hết ngành, trừ Sư phạm, Thủy sản, Kinh doanh nông nghiệp.