Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Nhiều bài thi điểm liệt
Ông Thụ cho biết phổ điểm chủ yếu là từ 5-8 điểm, mặc dù phổ điểm cao nhưng vẫn có những bài thi bị điểm liệt, ngược lại số bài thi được 9, 10 không nhiều.
Còn tại ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu phó nhà trường, cho biết đã chấm xong tất cả các môn, trừ môn Văn. Phổ điểm môn toán chủ yếu là 5-8 điểm, cũng có những bài thi bị điểm liệt. Dự tính ngày 17-7 nhà trường sẽ chấm xong và trước ngày 20-7 sẽ hoàn thiện điểm để gửi về Bộ GD&ĐT.
Tại cụm thi ĐH Thái Nguyên cũng đã hoàn thành công tác chấm thi đang hoàn thiện khâu cuối để gửi dữ liệu điểm thi về Bộ GD&ĐT. Phổ điểm trung bình từ 5-7 điểm. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều bài thi bị điểm liệt, môn Toán có tới gần 4%, môn Ngữ văn có khoảng 0,08% bài thi bị điểm liệt.
Tại ĐH Cần Thơ, phổ điểm trung bình là từ 5-6 điểm. Môn ngữ văn có bài thi được 9,75. Môn Lịch sử và Địa lý có bài thi được điểm 10. Tuy nhiên, tại cụm thi này cũng nhiều bài thi bị điểm liệt.
Trong khi đó tại các cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì như: Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… đều đã hoàn tất công tác chấm thi. Hiện nay các trường đang tiến hành kiểm dò và ráp điểm theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Tại cụm thi Vĩnh Phúc và cụm thi Bắc Giang đã có điểm thi và gửi kết quả về Bộ GD&ĐT. Ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, cho biết với khoảng 6.000 bài thi ở tám môn thi không có bài thi nào của thí sinh đạt điểm tuyệt đối, điểm cao nhất là 8 điểm. Tuy nhiên, số thí sinh bị điểm liệt lại tăng cao với gần 250 bài thi, tập trung chủ yếu ở môn toán.
Điểm chuẩn sẽ cao ở ngành “hot”
Nhận định về điểm chuẩn vào các trường ĐH năm nay có thể cao hơn năm 2014 không, ông Hoàng Minh Sơn, cho rằng mọi dự đoán về việc xét tuyển trong thời điểm này đều quá sớm vì chưa có dữ liệu chấm thi tổng thể và phổ điểm chung toàn quốc. “Nếu chỉ căn cứ vào số liệu điểm thi của một số Hội đồng chấm thi để dự đoán điểm trúng tuyển và tình hình tuyển sinh của các trường là chưa có cơ sở. Điểm trúng tuyển của thí sinh còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: số lượng nộp hồ sơ, kết quả điểm thi của thí sinh, tính cạnh tranh của ngành học, nguyện vọng của học sinh…. Có những thí sinh đạt điểm cao nhưng chưa chắc đã nộp vào trường cao vì còn phụ thuộc vào sở thích” – ông Sơn nói.
Còn theo GS Trịnh Minh Thụ, điểm trúng tuyển năm nay sẽ có biến động so với kỳ tuyển sinh năm 2014, vì đây là năm đầu tiên tổ chức xét tuyển theo kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, khó khăn của các trường không phải về mặt điểm số vì sau khi có kết quả, thí sinh mới nộp hồ sơ đăng ký vào trường, nhà trường lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. “Nếu cao thì sẽ tập trung ở những ngày “hot” , ông Thụ nói.
Theo Quy chế, ngày 20-7 là hạn cuối các trường hoàn tất công tác chấm thi. Trước ngày 1-8, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý dữ liệu, công bố điểm xét tuyển đầu vào. Sau đó, các trường ĐH-CĐ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển.
Xét tuyển vào ĐH-CĐ đợt 1 trong 20 ngày Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, năm nay, tất cả các trường ĐH nhận kết quả của kỳ thi THPT quốc gia đều tổ chức xét tuyển trong cùng một thời điểm và công bố điểm xét tuyển cũng như kết quả xét tuyển trong cùng một thời điểm do Bộ GD-ĐT quy định. Cụ thể: Bắt đầu từ ngày 1 đến 20-8, các trường ĐH-CĐ sẽ chính thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt I của các thí sinh. Sau 5 ngày, kết quả trúng tuyển phải được công bố. Những em trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, trong vòng 20 ngày của thời gian đăng ký xét tuyển, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng đã đăng ký ở trường hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký sang trường khác. Theo Bộ GD&ĐT, để thí sinh có cơ sở rút hồ sơ đăng ký vào các trường khác, Bộ quy định ba ngày một lần các trường phải công bố công khai danh sách học sinh đăng ký xét tuyển vào trường theo trật tự từ cao xuống thấp của kết quả thi. |