Điểm tin 21-4: Ukraine muốn thỏa thuận sơ tán dân thường ra khỏi Mariupol, Nga nói đã gửi văn bản hòa bình cho Kiev

(PLO)- Điện Kremlin cho biết đã gửi một văn bản dự thảo về hòa bình với từ ngữ cụ thể cho Kiev, trong khi Ukraine cho biết họ mong muốn có thể đạt được một thỏa thuận với Nga nhằm sơ tán dân thường và binh sĩ bị thương ra khỏi Mariupol.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình giao tranh

. Hãng thông tấn Ukraine Ukrinform dẫn thông tin từ Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự hôm 24-2, Nga đã mất khoảng 20.900 quân ở Ukraine.

Theo đó, tính đến ngày 20-4, tổng thiệt hại chiến đấu của Nga bao gồm 815 xe tăng, 2.087 xe bọc thép, 391 hệ thống pháo, 136 hệ thống tên lửa phóng loạt, 67 hệ thống phòng không, 171 máy bay, 150 trực thăng, 1.504 phương tiện cơ giới, 8 thuyền, 76 thùng nhiên liệu, 165 máy bay không người lái, 27 thiết bị đặc biệt và bốn hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn SRBM.

Một chiếc xe tăng của quân đội Nga bị phá hủy ở Ukraine. Ảnh: UKRINFORM

Một chiếc xe tăng của quân đội Nga bị phá hủy ở Ukraine. Ảnh: UKRINFORM

. Theo hãng tin Reuters, chính quyền Ukraine hôm 20-4 đã bày tỏ hy vọng sẽ sơ tán thành công 6.000 phụ nữ, trẻ em và người già khỏi TP Mariupol nếu thỏa thuận với Nga được duy trì.

Thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko cho biết có 90 xe buýt đã chờ sẵn để đưa người dân sơ tán đi nơi khác. Ông cho hay hiện vẫn còn khoảng 100.000 thường dân còn mắc kẹt và hàng chục nghìn người khác đã thiệt mạng tại Mariupol kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24-2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Động thái các bên:

. Hãng tin Sputnik ngày 20-4 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chính thảm kịch diễn ra ở khu vực ly khai ở vùng Donbass, phía đông Ukraine, khi những cư dân sống ở đây phải hứng chịu nhiều vụ đánh bom trong suốt 8 năm qua, đã "buộc" Nga phải bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

"Thật không may, ở Luhansk, rất nhiều điều đã thay đổi theo chiều hướng tồi tệ hơn. Trong suốt 8 năm qua, người dân ở đây đã phải hứng chịu các vụ đánh bom, các cuộc tấn công bằng pháo. Và tất nhiên, cuộc sống ở đây rất rất khó khăn" - ông Putin nói.

Tổng thống Nga hứa rằng Moscow sẽ hành động nhất quán và đảm bảo đen lại hòa bình cho Donbass.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: RIA

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: RIA

. Theo RT, bình luận về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vốn đang bị đình trệ, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov tiết lộ rằng Moscow đã chuyển cho Kiev một "văn bản dự thảo về hòa bình" với từ ngữ cụ thể.

“Hiện quyết định đang phụ thuộc vào Kiev, chúng tôi đang chờ phản hồi của họ” - ông Peskov nói và cho biết thời hạn để Ukraine trả lời cũng sẽ tùy thuộc vào Kiev.

Ông Peskov lưu ý thêm rằng trong khoảng thời gian vừa qua, phía Ukraine “không tỏ ra muốn tăng cường quá trình đàm phán”. Ông cáo buộc Ukraine “liên tục phớt lờ tuyên bố của Moscow và liên tục thay đổi chúng”. Ông nhấn mạnh đây là hành động thiếu nhất quán và "đang gây ra những hậu quả rất xấu về mặt hiệu quả của các cuộc đàm phán”.

Một chiếc xe của phái đoàn giám sát đặc biệt của OSCE bị phá hủy ở Mariupol, Ukraine. Ảnh: RT

Một chiếc xe của phái đoàn giám sát đặc biệt của OSCE bị phá hủy ở Mariupol, Ukraine. Ảnh: RT

. Cùng ngày 20-4, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Dmitry Polyansky đã cáo buộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hợp tác với chính phủ Ukraine trong cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai ở Donbass và cố gắng che đậy hành vi phạm tội của quân đội Kiev.

“Chúng tôi đã thu được bằng chứng mới nhất về thủ đoạn của các bạn trong việc xây dựng một trật tự dựa trên quy tắc bẩn thỉu như thế nào khi phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE ở Ukraine chỉ đơn giản đang do thám cho Kiev thay vì ghi lại các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn” - ông Polyansky nói và cho biết Nga đang thu thập thêm bằng chứng về vụ việc này.

Ông đồng thời chỉ trích các nước phương Tây, gọi họ là "đạo đức giả" khi chỉ theo đuổi lợi ích ích kỷ của riêng mình hơn là lợi ích của người dân Ukraine trong cuộc khủng hoảng an ninh ở nước này.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu trước giới truyền thông tại trụ sở LHQ ở thành phố New York, Mỹ, ngày 14-3. Ảnh: REUTERS

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu trước giới truyền thông tại trụ sở LHQ ở thành phố New York, Mỹ, ngày 14-3. Ảnh: REUTERS

. Cùng ngày, theo Reuters, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã đề nghị được gặp riêng Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine để thảo luận về các bước nhằm mang lại hòa bình sau chiến dịch quân sự của Moscow.

Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết đã gửi các bức thư riêng biệt đến phái bộ thường trực của Nga và Ukraine vào chiều ngày 20-4 đề nghị ông Putin tiếp ông Guterres ở Moscow và ông Zelensky tiếp ông ở Kiev.

"Tổng thư ký cho biết, tại thời điểm nguy hiểm và hậu quả to lớn này, ông ấy muốn thảo luận về các bước khẩn cấp để mang lại hòa bình ở Ukraine và tương lai của chủ nghĩa đa phương dựa trên Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế" - ông Dujarric tuyên bố.

Lính cứu hộ có mặt tại một tòa nhà dân cư bị hư hại nặng ở Mariupol, Ukraine, ngày 19-4. Ảnh: REUTERS

Lính cứu hộ có mặt tại một tòa nhà dân cư bị hư hại nặng ở Mariupol, Ukraine, ngày 19-4. Ảnh: REUTERS

. Cũng theo Reuters, Ukraine đã đề xuất một cuộc đàm phán với Nga để bàn về việc sơ tán quân đội và dân thường khỏi TP Mariupol sau khi tối hậu thư “đầu hàng hoặc chết” của Moscow sẽ hết hiệu lực vào cuối ngày 20-4.

“Ukraine đã sẵn sàng cho một ‘vòng đàm phán đặc biệt’ không điều kiện để cứu người dân của chúng tôi, lực lượng quân đội, dân thường, trẻ em, người còn sống sót và những người bị thương" - ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Ukraine và là thành viên đoàn đàm phán của Kiev viết trên Twitter.

Các binh sĩ Ukraine trong chiến hào trên chiến tuyến với quân đội Nga ở vùng Lufansk vào ngày 11-4. Ảnh: AFP

Các binh sĩ Ukraine trong chiến hào trên chiến tuyến với quân đội Nga ở vùng Lufansk vào ngày 11-4. Ảnh: AFP

. Bộ Ngoại giao Ukraine hôm 20-4 cho biết Kiev ủng hộ một "lệnh ngừng bắn trong lễ Phục sinh" kéo dài 4 ngày do Tổng thư ký LHQ đề xuất và vẫn cam kết sẽ giải quyết xung đột với Nga một cách hòa bình và thông qua ngoại giao, RT đưa tin.

“Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm rằng việc ngừng bắn là cần thiết để sơ tán an toàn hàng nghìn dân thường muốn rời khỏi các khu vực nguy hiểm, chủ yếu từ TP Mariupol. Chúng tôi đã xác nhận sự đồng ý của mình với đề xuất ngừng bắn của LHQ” - đại diện Bộ Ngoại giao Ukraine cho hay.

Người dân Ukraine sơ tán khỏi đất nước. Ảnh: UKRINFORM

Người dân Ukraine sơ tán khỏi đất nước. Ảnh: UKRINFORM

. Ukrinform dẫn báo cáo từ Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết tính đến ngày 19-4, có hơn 5 triệu người đã rời khỏi Ukraine vì cuộc chiến do Nga tiến hành.

Theo UNHCR, hơn 2,8 triệu người đã trốn sang Ba Lan, hơn 757.000 người đã đến Romania, hơn 549.000 người đến Nga, 471.000 người đến Hungary, hơn 426.000 người đến Moldova, hơn 342.000 người đến Slovakia và hơn 23.000 người đã đến Belarus.

Ước tính mới nhất của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho thấy còn 7,1 triệu công dân Ukraine khác đang phải sống lang thang ở khắp đất nước này.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland. Ảnh: UKRINFORM

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland. Ảnh: UKRINFORM

. Đài CNN ngày 20-4 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết các đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) có thể tham gia vào hoạt động sơ tán dân thường và những người bị thương ra khỏi TP Mariupol một cách an toàn.

Bà cho biết "có một số hy vọng rằng Nga có thể cho phép" dân thường và thương binh qua lại an toàn từ Mariupol”. Tuy nhiên, bà không nói rõ làm thế nào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu có thể tham gia vào việc sơ tán dân thường.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel có chuyến thăm Borodianka, TP Kiev, Ukraine hôm 20-4. Ảnh: TWITTER

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel có chuyến thăm Borodianka, TP Kiev, Ukraine hôm 20-4. Ảnh: TWITTER

. Trong chuyến đi đến Borodianka, TP Kiev, hôm 20-4 cùng Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishina, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói: “Giống như Bucha và quá nhiều TP khác ở Ukraine. Lịch sử sẽ không quên những tội ác chiến tranh đã gây ra ở đây. Không thể có hòa bình nếu không có công lý”.

Người dân Ukraine mang theo đồ đạc đi qua một tòa nhà bị phá hủy ở Mariupol vào ngày 19-4. Ảnh: REUTERS

Người dân Ukraine mang theo đồ đạc đi qua một tòa nhà bị phá hủy ở Mariupol vào ngày 19-4. Ảnh: REUTERS

. Theo hãng thông tấn TASS, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa thêm hàng chục cá nhân và doanh nghiệp Nga có liên quan đến nỗ lực trốn tránh các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt lên Moscow vào danh sách đen của nước này hôm 20-4.

"Hôm nay, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã liệt thêm các thực thể và cá nhân Nga vào danh sách đen, những người có liên quan đến nỗ lực trốn tránh các lệnh trừng phạt do Washington và các đối tác quốc tế áp đặt lên Moscow" - Bộ Tài chính Mỹ thông báo.

Theo đó, OFAC đã đưa vào danh sách đen "ngân hàng thương mại Nga Transkapitalbank và một mạng lưới toàn cầu gồm hơn 40 cá nhân và tổ chức do nhà tài phiệt Nga Konstantin Malofeyev quản lý, bao gồm các tổ chức có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trốn tránh các lệnh trừng phạt".

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS

. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập cuộc họp tại Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ để bàn vệ việc hỗ trợ Ukraine của Washington, Reuters đưa tin.

Theo đó, "nhiều chủ đề khác nhau" đã được đưa ra thảo luận giữa ông Biden với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Tướng Mark Milley và các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm