Diễn viên Ngân Khánh Kiện trang tin điện tử đòi bồi thường: Tòa xử được!

Có ý kiến lo ngại rằng tòa sẽ gặp khó khăn khi giải quyết bởi các trang tin điện tử không phải là báo chí nên không thể áp dụng Luật Báo chí. Nếu áp dụng pháp luật dân sự cũng không ổn bởi Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 không có quy định nào về việc tòa giải quyết các vụ kiện liên quan đến các trang tin điện tử. Ngoài ra, quy định về xử lý vi phạm của trang tin điện tử theo pháp luật chuyên ngành như Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Nghị định 97/2008 của Chính phủ (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet) cũng còn rất chung chung...

Nhiều chuyên gia khẳng định tòa án vẫn có thể áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) để giải quyết các vụ kiện của Ngân Khánh, Tuyết Nhung. Bởi lẽ quan hệ tranh chấp trong các vụ kiện này là quan hệ đòi cải chính, xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại do quyền nhân thân, cụ thể là danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Theo quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ (Điều 37 BLDS). Bất cứ ai bị xâm phạm về quyền nhân thân, trong đó có danh dự, nhân phẩm, uy tín đều có quyền khởi kiện để đòi người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (Điều 25 BLDS).

Vẫn phải cải chính, xin lỗi công khai

Đi vào các yêu cầu cụ thể của Ngân Khánh, Tuyết Nhung, trước hết là yêu cầu cải chính, xin lỗi công khai. Có ý kiến cho rằng tòa sẽ khó buộc cơ quan chủ quản của các trang tin điện tử cải chính bởi quy định về cải chính hiện chỉ dành cho đối tượng là báo chí. Trong khi đó, các trang tin điện tử không phải là báo chí mà chỉ được cấp giấy phép theo Nghị định 97/2008 của Chính phủ…

Diễn viên Ngân Khánh Kiện trang tin điện tử đòi bồi thường: Tòa xử được! ảnh 1

Theo ThS luật Dương Tuấn Lộc, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau thì xuất phát từ mục đích bảo vệ quyền lợi cho người bị đăng tải thông tin xúc phạm, tòa vẫn có thể buộc cơ quan chủ quản của các trang tin điện tử đăng lại thông tin cải chính, xin lỗi công khai tương tự như đối với báo chí. Trong trường hợp này, tòa vận dụng nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự. Bởi lẽ các trang tin điện tử dù không phải là báo chí theo quy định nhưng lại sử dụng Internet đăng tải thông tin dưới hình thức một tác phẩm báo chí công khai. Việc cải chính, xin lỗi này về hình thức phải được đăng ngay trên trang tin điện tử đã vi phạm. Nội dung cải chính, xin lỗi do các bên đương sự thỏa thuận với nhau hoặc do tòa quyết định.

Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tán đồng quan điểm này. Theo ông, cơ sở pháp lý đã có (khoản 2 Điều 25 BLDS), vấn đề là tòa sẽ tuyên áp dụng hình thức cải chính, xin lỗi công khai như thế nào cho phù hợp khi chưa có quy định cụ thể về trang tin điện tử.

Trong thực tiễn xét xử, nếu là vụ kiện giữa các cá nhân với nhau, thông thường tòa chỉ tuyên buộc người vi phạm phải xin lỗi công khai dưới các hình thức: Ngay tại phiên xử, tại nơi cư trú của người bị xâm phạm, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên ở đây, bên bị kiện không phải là cá nhân mà là cơ quan chủ quản và các trang tin điện tử, do đó việc tòa buộc chính các trang tin điện tử vi phạm đăng lại thông tin cải chính, xin lỗi là phù hợp.

Luật sư Tám còn cho rằng ngoài các quy định của BLDS, tòa còn có thể tham khảo thêm các quy định về quản lý Internet để áp dụng làm căn cứ xét xử.

Và phải bồi thường

Về yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, Thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng (TAND quận Gò Vấp, TP.HCM) phân tích: Đây là các trường hợp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Theo BLDS, người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể yêu cầu người vi phạm bồi thường chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Ngoài ra, người bị xâm phạm còn có thể yêu cầu người vi phạm bù đắp tổn thất về tinh thần, mức bồi thường do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Đồng tình, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cũng nhận xét việc tòa án vận dụng các quy định nói trên để giải quyết yêu cầu bồi thường của Ngân Khánh và Tuyết Nhung là hoàn toàn chuẩn xác. Vấn đề chỉ còn là chuyện hai cô có đưa ra được chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình để tòa có cơ sở xem xét hay không mà thôi.

Tòa: Giải quyết được!

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 12-7 vừa qua, TAND quận 10 đã nhận đơn của diễn viên Ngân Khánh kiện trang tin điện tử http://plo.vn (thuộc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam - VC Corp) phải cải chính, xin lỗi công khai 90 ngày liên tiếp và bồi thường 70 triệu đồng. Theo Ngân Khánh, trang tin điện tử http://plo.vn đã ám chỉ cô tham gia đường dây bán dâm trong bài viết “Tú bà Mỹ Xuân khai thêm hai người đẹp bán dâm”. Cụ thể, trong bài viết, dù tên nhân vật được viết tắt là diễn viên NK nhưng lại đề cập đến công việc và con người giống Ngân Khánh. Sự đề cập viện dẫn trong bài viết này dễ dàng để mọi người khi đọc nhận ra nhân vật được viết tắt chính là Ngân Khánh. Thậm chí, bài viết còn đưa cả ảnh… nhà riêng của cô. Hậu quả là tạo thông tin dư luận không đúng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần, nhiều hợp đồng quảng cáo, đóng phim, sân khấu… của cô bị ngưng. Uy tín, danh dự, hình ảnh của cô với các cơ quan, tổ chức, người hâm mộ cũng bị xấu đi nghiêm trọng...

Tương tự, ngày 13-7, TAND quận Phú Nhuận tiếp nhận hai đơn khởi kiện của Tuyết Nhung, trong đó có một đơn kiện trang tin điện tử diendan.phununet.com (thuộc Công ty Cổ phần Việt Nam online group). Tuyết Nhung yêu cầu Công ty Cổ phần Việt Nam online group ngoài việc cải chính, xin lỗi công khai còn phải bồi thường 20 triệu đồng. Theo Tuyết Nhung, trang tin điện tử diendan.phununet.com ngày 7-6-2012 có mở diễn đàn và cho đăng nhiều hình ảnh của cô với tựa: “Tuyết Nhung á hậu xế độ 2012 trọn vẹn bộ ảnh dung nhan ai nghĩ cô này bán dâm nhỉ”. Trong đó còn có chú thích một tấm ảnh khẳng định là: “Tuyết Nhung á hậu xế độ bán dâm”. Tuyết Nhung cho rằng những thông tin trên là vô căn cứ, sai sự thật, chà đạp lên danh dự nhân phẩm của cô và bôi nhọ lên truyền thống tốt đẹp của dòng họ cô khi cho rằng cô bán dâm...

Theo lãnh đạo TAND quận 10 và TAND quận Phú Nhuận, hiện các tòa này vẫn đang trong quá trình xem xét các đơn kiện nói trên, chưa thụ lý. Tuy nhiên, các tòa đều cho rằng nhìn chung việc giải quyết các vụ kiện trên sẽ không gặp nhiều vướng mắc vì quy định của pháp luật đủ để tòa xét xử.

Luật vẫn còn những “lỗ hổng”

Trong một bài viết đăng tải trên Pháp Luật TP.HCM gần đây, nhiều chuyên gia nhận xét các quy định của BLDS về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm vẫn còn không ít “lỗ hổng”. Mặc dù không nghiêm trọng đến mức làm ảnh hưởng đến hoạt động xét xử của tòa án nhưng những “lỗ hổng” này đã cho thấy rằng pháp luật cần phải được bổ sung để chặt chẽ hơn.

Chẳng hạn, cả BLDS lẫn các văn bản hướng dẫn đều chưa định nghĩa thế nào là “danh dự”, “nhân phẩm, “uy tín”? Tương tự, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín đến mức nào thì bị coi là xâm phạm nghiêm trọng, phải bù đắp tổn thất về tinh thần? Trình tự, thủ tục, hình thức xin lỗi công khai cụ thể giữa các cá nhân với nhau ra sao? Nếu người phải xin lỗi không thực hiện thì làm thế nào?...

Chính vì pháp luật dân sự vẫn chưa thật chi tiết, cụ thể nên trên thực tế, chuyện quyết định một hành vi có phải là xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín hay không, có đến mức phải bồi thường tổn thất về tinh thần hay không hay việc xin lỗi công khai đều do tòa tự nhận định, đánh giá và phán quyết.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm