Diệt trừ tham nhũng, nuôi dưỡng người tài đức

Người dân ủng hộ Đảng, Nhà nước trước nhiều quyết định xử lý các cán bộ, đảng viên sai trái; vi phạm pháp luật nhưng cũng băn khoăn, lo rằng cuộc chiến chống tham nhũng khó đi đến cùng nếu còn tình trạng nể nang, ô dù, bè phái che chở. Và một khi còn như thế thì lòng dân chưa yên.

Thẩm thấu tư tưởng, chân lý bao đời nay của cha ông: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, người dân đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải tấn cống mạnh mẽ hơn nữa vào các lợi ích nhóm, bè phái… đi ngược với lợi ích của nhân dân, bòn rút của công; gây tổn hại cho nguyên khí của quốc gia; làm hao mòn sinh lực phát triển đất nước.

Tại các cuộc tiếp xúc đó, trước hàng vạn cử tri, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã rất nhiều lần khẳng định: Chống tiêu cực, tham nhũng: “không loại trừ ai” - “không có vùng cấm”!

Người dân hoan nghênh trước các tuyên bố dứt khoát, mạnh mẽ này nhưng điều quan trọng hơn là mong muốn Đảng, Nhà nước hành động! Bởi người dân mong rằng đây không chỉ là tuyên bố chính trị của Đảng trước dân mà đó phải là nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng, giải pháp sống còn của Đảng với vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bởi “tham nhũng ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ”. Hẳn nhiên, tham nhũng đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước và như thế là đi ngược lại mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước mà Đảng đặt ra.

Việc khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ khác để điều tra về các sai phạm liên quan đến ông đã cho thấy cam kết của Đảng được thực thi một cách quyết liệt. Và người dân kỳ vọng rằng Đảng sẽ tiếp tục hành động một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Chắc chắn nhân dân sẽ giám sát các bước xử lý tiếp theo và kết quả của quá trình đó, sau những “quyết tâm, hành động” trên. Một lần nữa nhân dân tiếp tục đòi hỏi phải xử lý đến cùng các sai phạm; cắt bỏ các ung nhọt trong chính cơ thể để chấn chỉnh toàn đội ngũ, bộ máy.

Tất nhiên cùng với quyết tâm chống tiêu cực tham nhũng, Đảng, Nhà nước phải quyết liệt hiện thực hóa các chính sách, cơ chế nuôi dưỡng, bảo vệ người tài-đức-trí-dũng cho đất nước.

Cơ chế đó phải đảm bảo đủ nguồn năng để sinh trưởng ra những cán bộ thực thụ liêm chính, thương dân, ái quốc; đủ mạnh mẽ, hiểu biết để thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực, tham nhũng; đủ lòng tự trọng, liêm sỉ để gìn giữ, mài giũa chính mình.

Cơ chế ấy, nếu được như thế, cùng với những kết quả trong chống tiêu cực, tham nhũng sẽ góp phần to lớn trong việc xây dựng, củng cố niềm tin của dân chúng. Đúng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu: Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. 

 Đó mới chính là yếu tố sống còn giúp Đảng khẳng định sức sống, sức chiến đấu của mình trước nhân dân, đất nước và với chính mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm