Điều tra viên ép đưa 500 triệu để 'cảm ơn không bị khởi tố' lãnh 7 năm tù

(PLO)- Điều tra viên nhiều lần yêu cầu người mình điều tra đưa 500 triệu đồng để “cảm ơn các cơ quan tố tụng” dù người này không phạm tội, không cần khởi tố.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-2, TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo Phạm Anh Tuyên, nguyên Điều tra viên sơ cấp Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP.Hà Nội về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Phạm Anh Tuyên tại toà. Ảnh: LA THÀNH

Bị cáo Phạm Anh Tuyên tại toà. Ảnh: LA THÀNH

Theo cáo buộc trong vụ án Hoa Hữu Long giả danh Thiếu tướng quân đội, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Tuyên được phân công điều tra hành vi của anh Trần Quốc Việt (Hoa Hữu Long nhận án chung thân năm 2021-PV).

Quá trình điều tra, Tuyên và những cán bộ khác đã có báo cáo tổng hợp, công văn sơ kết điều tra vụ án với nội dung không xử lý hình sự anh Trần Quốc Việt do “tính chất, mức độ chưa đến mức” và VKSND TP.Hà Nội thống nhất quan điểm này.

Tuy nhiên, do muốn chiếm đoạt tiền, Tuyên nhiều lần gọi anh Việt đến trụ sở Cơ quan An ninh điều tra làm việc. Ngày 16-7-2019, anh Việt có mặt và được bị cáo yêu cầu đưa 500 triệu đồng với lý do “cảm ơn các cơ quan tố tụng TP.Hà Nội”. Vài ngày sau đó, điều tra viên này thêm nhiều lần yêu cầu anh Việt đưa tiền.

Anh Việt cho rằng hành vi của Tuyên là ép buộc đưa tiền trái pháp luật nên gửi đơn tố giác đến Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội (PC02) vào ngày 25-7-2019.

Hôm sau, tại phòng hỏi cung của Cơ quan ANĐT, anh Việt đưa Tuyên 200 triệu đồng. Thấy chưa đủ, bị cáo lấy giấy bút đưa cho anh Việt. Bị hại viết vào giấy nội dung: “Giờ anh gửi 200, mai anh lấy vàng bán gửi em” sau đó đi về.

Theo cơ quan truy tố, bị cáo Tuyên để số tiền trên trong cặp đựng laptop của mình, mang theo người nhưng khi ra ngoài phòng hỏi cung liền bị lực lượng PC02 kiểm tra, lập biên bản.

Tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát cho rằng hành vi của Tuyên đã phạm tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản nên đề nghị tòa phạt từ 7 – 8 năm tù.

Ngược lại, các luật sư bào chữa cho bị cáo Tuyên nêu quan điểm, lời khai của anh Việt không thống nhất; có biểu hiện “gài bẫy” bị cáo nên chưa đủ căn cứ kết luận người này phạm tội. Luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, giám định dấu vân tay của bị cáo trên bọc tiền; dấu vân tay của anh Việt trên 3 cây bút...

Kêu oan, bị cáo Tuyên cho hay có sự “mâu thuẫn, căng thẳng” giữa mình và anh Việt. Do đó, anh Việt đã lợi dụng lúc Tuyên không có mặt ở phòng hỏi cung để “bỏ tiền vào trong cặp” với mục đích vu cáo.

Đối đáp lại, kiểm sát viên cho rằng anh Việt là người bị điều tra, có khả năng bị khởi tố nên “phụ thuộc vào Tuyên”. Bị cáo nói anh Việt tự bỏ tiền vào cặp mình để vu cáo là “phi lý, phi thực tế” bởi chính bị cáo đã tiết lộ bí mật điều tra cho anh Việt.

Sau nghị án, Hội đồng xét xử căn cứ lời khai của bị cáo, bị hại; các biên bản về bắt, khám xét, xác định hiện trường… cho rằng đủ cơ sở xác định Phạm Anh Tuyên phạm tội với tình tiết tăng nặng là chiếm đoạt tài sản giá trị từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.

Bản án nêu bị cáo Tuyên được trưởng thành, rèn luyện trong các trường, các vị trí của lực lượng công an nhân dân nhưng lại lợi dụng chức vụ thực hiện hành vi phạm tội.

Hành vi của bị cáo vi phạm luật, điều lệnh công an nhân dân; luật phòng chống tham nhũng và “trên hết là pháp luật hình sự”. Nó còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng.

Sau khi xét các tình tiết giảm nhẹ như có thành tích trong công tác, nhận Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, nhân thân tốt; bị hại đã nhận lại tiền… Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Tuyên mức án 7 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm