Mới đây, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đòi lại tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa các nguyên đơn bà TN, bà H. với bị đơn là vợ chồng ông N.
Theo hồ sơ, cha mẹ bà TN có 4 người con gồm bà TN, ông R. và hai người nữa. Ngoài ra, cha của bà TN còn chung sống với người vợ thứ 2 là bà H., có một con chung là ông V.
Năm 1990, cha của bà TN chết không để lại di chúc. Toàn bộ diện tích đất được giao cho ông R. thay mặt gia đình tạm thời quản lý và sử dụng.
Tháng 3-2009, phát hiện ông R. đã tự ý chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông N. nên bà TN và bà H. đi kiện để hủy hợp đồng chuyển nhượng đất, hủy giấy chứng nhận đã cấp cho vợ chồng ông N.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Q không chấp nhận yêu cầu khởi kiện nên họ kháng cáo. Xử phúc thẩm năm 2023, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng huỷ án sơ thẩm để TAND tỉnh Q xét xử lại.
Trong thông báo rút kinh nghiệm, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nêu: Trong sổ hộ khẩu đứng tên bà H. làm chủ hộ có tên anh K. (sinh năm 1974), quan hệ với chủ hộ là "con". Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ anh K. là con nuôi hay con đẻ của bà H. Trường hợp là con đẻ thì có phải là con chung của bà H. và cha bà TN hay không.
Cấp sơ thẩm nhận định trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến năm 1974, ngoài người con tên V. thì bà H. còn có người con tên là K. với người khác... nên không đủ điều kiện áp dụng quy định về xác định hôn nhân thực tế (Nghị quyết 35/2000 của Quốc hội). Nhận định này của cấp sơ thẩm là chưa đủ căn cứ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bà H. cũng trình bày không biết chính xác mối quan hệ giữa anh K. và bà H. nên tòa đã hủy án để xác minh làm rõ và xét xử lại theo trình tự sơ thẩm, đảm bảo đúng quy định pháp luật.