Điều tra viên yếu, khó khắc phục án oan

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Hồ Trọng Ngũ cho rằng cần xem xét lại sự quan tâm của xã hội, của Nhà nước với hệ thống tư pháp. “Nghị quyết về cải cách tư pháp đã có nhưng thực hiện chưa được tốt và dường như hệ thống tư pháp vẫn rất nhỏ nhoi, mong manh trước nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền… Đồng lương thấp khó có thể dưỡng liêm với những người phải gánh trách nhiệm cầm cân nảy mực nên cần tính toán để tăng lương cho cán bộ tư pháp, đồng thời đòi hỏi ở họ trách nhiệm cao và chế tài nghiêm khắc nếu vi phạm” - ông Ngũ nói.

Theo ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, một nguyên nhân khiến cải cách tư pháp còn tụt hậu so với cải cách kinh tế là do Hiến pháp chậm được sửa đổi. Hàng loạt luật cần phải sửa như Bộ luật Tố tụng hình sự, luật tổ chức cơ quan điều tra, tòa án, kiểm sát… mới chỉ dừng ở “chương trình chuẩn bị”. Bà Nga cho rằng thực tiễn trong tư pháp hình sự, cải cách nên bắt đầu từ cơ quan điều tra bởi oan sai trong tố tụng hình sự thường xuất phát từ khâu điều tra. Thế nhưng 30% điều tra viên chưa đạt chuẩn đại học theo Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004, tính rộng hơn, 80% cán bộ, chiến sĩ thuộc các cơ quan điều tra chưa có trình độ cao đẳng, đại học. Trong khi đó, ngành tòa án, kiểm sát thì 100% có bằng đại học luật.

“Nhiều cử tri cho rằng nhiệm kỳ tới mà không cải cách mạnh mẽ cơ quan điều tra cả về tổ chức, con người, thì hoạt động tư pháp hình sự của tòa án, kiểm sát khó mà hiệu quả. Với trình độ điều tra viên như vậy thì dù nâng trình độ thẩm phán, kiểm sát viên lên thạc sĩ, tiến sĩ cũng không thể khắc phục án oan” - bà Nga nói.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm