Dinh dưỡng đúng cách sĩ tử mùa thi

Còn hơn một tháng nữa là kỳ thi THPT quốc gia 2016 bắt đầu. Không những sĩ tử mà các bậc phụ huynh cũng đang trong giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho con mình hành trang tốt nhất cho kỳ thi. Từ dinh dưỡng, tâm lý đến lịch sinh hoạt của thí sinh đều được “lập trình” chu đáo một cách không cần thiết đã vô tình gây căng thẳng cho các em.

Dùng cà phê, nước tăng lực để tỉnh táo

Một khảo sát sơ bộ với các học sinh tại TP.HCM, 90% đều nói rằng có trữ và sử dụng cà phê, nước tăng lực trước và trong mùa thi. Em Hoàng Đ.Th, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), cho biết thường thức khuya học bài, ôn luyện nhưng cứ đến 11 giờ đêm lại không tập trung được vì quá buồn ngủ. “Em nghe bạn bè ai cũng nói uống cà phê giúp tỉnh táo, thức khuya tốt nên ngày nào em cũng dùng vài gói (cà phê tan) để học bài, thấy chưa có gì ảnh hưởng” - Th. nói.

Nhiều phụ huynh cũng đang ồ ạt trữ cho con mình những loại chất có thể giúp con làm “cú đêm” học bài. Ngoài các loại thức uống giúp con thức khuya, các ông bố bà mẹ còn đua nhau mua về các thực phẩm chức năng, các loại thuốc bổ não… chỉ mong con mình có được sức khỏe tốt nhất cho kỳ thi. Thậm chí có tâm lý uống càng nhiều thuốc, thuốc càng đắt tiền càng tốt cho não thì càng được điểm cao.

Trẻ càng lo lắng việc thi cử càng trở nên căng thẳng và quá tải. Ảnh minh họa: TL

Tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ, chị Lê Ngọc Thùy Linh (quận Tân Bình), đẩy trên xe lỉnh kỉnh thức ăn dự trữ cho con trai sắp bước vào kỳ thi, chia sẻ: “Thời điểm căng thẳng này con tôi cần học tập với cường độ cao, đòi hỏi não bộ làm việc liên tục. Tôi đã nghiên cứu khá nhiều loại thuốc bổ não và dưỡng chất cung cấp tốt nhất cho não rồi nên phải đi mua ngay”.

Thời điểm thực phẩm bẩn tràn lan cũng làm ảnh hưởng không ít đến chế độ ăn của sĩ tử. Gia đình chị Phạm Trà Giang (Kha Vạn Cân, Thủ Đức) năm nay có hai con gái tham gia kỳ thi THPT. Gần tháng nay, các loại thức ăn như cá, thịt đều bị loại khỏi thực đơn hằng ngày của cả gia đình. “Sợ không may ăn phải chất gì nhiễm độc đến ngày thi trở tay không kịp lại khổ” - chị Giang nói.

Bên cạnh đó, chị Trà Giang kể thêm, con chị hiện ngoài giờ học ở lớp, học thêm nhà thầy sau đó chở về nhà. Chị xếp lịch để tránh cho con đi chơi nhiều như trước, thời gian giải trí cũng cắt bớt vì sợ con xao nhãng, không nắm bắt đủ kiến thức.

Giữ tâm lý thoải mái, cân bằng học và chơi

ThS-BS Kiều Thanh Hà, Phòng khám Nhi đồng TP, cho rằng trong thời điểm này áp lực đối với mọi thí sinh là bình thường như mong thi đỗ vào trường mình đã chọn, mong đạt được sự kỳ vọng của gia đình, họ hàng, mong được như bạn bè... Nhưng những lo lắng nếu được chia sẻ cùng mọi người một cách thoải mái sẽ giúp các em tránh được những tai nạn không đáng có. “Vì vậy, mỗi ngày phụ huynh nên dành thời gian để cùng trò chuyện vui vẻ với con, động viên con học. Cha mẹ không nên quá khắt khe mà nên khuyến khích con đọc vài cuốn sách, xem các bộ phim thú vị, hài hước…, điều đó có thể giúp các em cân bằng trạng thái tâm lý” - BS Hà nói.

Theo BS Hà, tùy vào sức khỏe, mỗi buổi tối không nên học quá 23 giờ, thời gian học tốt nhất là dưới ba tiếng, sau một tiếng nên nghỉ 10-15 phút để thư giãn. Buổi tối cố gắng ngủ 7-8 tiếng để đảm bảo sức khỏe cho hôm sau.

Việc học đan xen giữa các môn sẽ giúp các em có kiến thức chắc chắn hơn và tránh sự mệt mỏi, nhàm chán. Cần chú ý đến phương pháp học, tránh nhồi nhét, máy móc dẫn đến đổ dồn kiến thức, hiệu quả lĩnh hội không cao. Điều quan trọng hơn nữa là các em phải vượt qua được tâm lý bắt buộc phải thi đậu vì rất dễ dẫn đến trầm cảm. Cha mẹ cũng không nên quá áp lực mà thay vào đó nên trở thành điểm tựa cho con, thường xuyên động viên, chia sẻ những khó khăn trẻ đang phải đối mặt.

“Việc quá coi trọng kết quả kỳ thi sẽ khiến trẻ thiếu tự tin, dễ phát sinh tâm lý tiêu cực. Trẻ càng lo lắng thì càng trở nên căng thẳng và quá tải, dẫn đến việc không nhớ nội dung học, làm bài thi không tốt và không đạt được nguyện vọng” - BS Hà nhấn mạnh.

Ăn thực phẩm có nhiều sắt và i-ốt

Theo BS CK2 Nguyễn Thanh Thu, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, vào mùa thi cha mẹ nên nấu cho các con ăn những món đảm bảo dinh dưỡng, không nên kiêng cữ quá mức, lo sợ dẫn đến cung cấp không đủ chất dinh dưỡng cho con mình.

Các em đặc biệt chú ý và bỏ đi thói quen sai lầm hiện nay là sử dụng chất kích thích (trà, cà phê, nước tăng lực…) để thức qua đêm vì những chất kích thích mạnh chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, dễ gây ra ảo giác, không có lợi cho trí nhớ. Những chất này còn làm tim đập nhanh, đi tiểu nhiều gây mất nước, mất ngủ, nhức đầu, có hại cho não và ngăn quá trình hấp thụ canxi vào cơ thể.

Các khoáng chất đặc biệt cần lưu ý cho các sĩ tử là sắt và i-ốt, bởi tác động trực tiếp tới hoạt động của não bộ. Chất sắt có nhiều trong gan, củ dền, rau ngót, các loại rong, tảo và các loại đậu; i-ốt có nhiều trong cá biển và hải sản. Học sinh nên ăn đủ bữa, đủ loại thực phẩm, không kiêng cữ theo các kinh nghiệm dân gian chưa có bằng chứng khoa học nào.

___________________________________

Cha mẹ không nên nghe quảng cáo về các loại thức uống lạ hoặc thuốc bổ tốt cho não mà từ trước đến nay chưa từng dùng qua vì chúng có thể gây dị ứng, không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến kỳ thi. Đôi khi thuốc không rõ nguồn gốc, không đúng chất lượng lại ảnh hưởng đến cả tính mạng con trẻ.

BS CK2 NGUYỄN THANH THU,
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm