Ông Tadashi Kikuchi, tùy viên kinh tế Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, khẳng định chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong hội nhập kinh tế toàn cầu. Sản phẩm chất lượng luôn khiến cho người tiêu dùng an tâm sử dụng, đồng thời có giá trị gia tăng cao đối với DN sản xuất. Để ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, DN cần nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu, đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng khi xuất hàng hóa sang nước khác.
Tuy nhiên, điều này tương đối khó với đa số DN tư nhân do kỹ thuật và khả năng quản lý chưa tốt. Và một trong những giải pháp tốt nhất, theo ông Kikuchi, là nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật công nghệ cao từ nước ngoài.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng tâm lý e ngại chất độc hại từ hàng Trung Quốc đang lan rộng chính là cơ hội cho DN Việt Nam. Lúc này, DN cần chứng minh được sản phẩm của mình chất lượng, an toàn hơn và giành thế chủ động ngay cả ở thị trường nội địa chứ không tiếp tục để hàng Trung Quốc lấn sân. ‘‘Đặc biệt, đừng để năm 2015 là dấu mốc báo hiệu cái chết của hàng Việt trước hàng Trung Quốc” - bà Lan nhận định (2015 là thời điểm dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc).
Theo ông Kikuchi, từ khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 cùng việc ký kết các hiệp định thương mại vài năm sau đó, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều nguồn lực đầu tư từ nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2012. Tham vọng của các nước tham gia hiệp định (Úc, New Zealand, Brunei, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Peru, Chile, Mỹ) là mở cửa thị trường toàn diện, cắt bỏ 100% thuế, trừ một số ít hàng nhạy cảm.
Do đó, ngay từ lúc này DN cần thay đổi chiến lược kinh doanh, không chờ đợi sự hợp tác đầu tư từ nước ngoài để phát triển mà cần phải chủ động sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao bán ra toàn thế giới, tăng cường khả năng cạnh tranh và khẳng định thương hiệu.
TÚ UYÊN