Hải quân Mỹ cần mở rộng hạm đội hải quân và tăng cường năng lực hàng hải để giữ sức cạnh tranh trong bối cảnh các nước như Trung Quốc, Nga đang nỗ lực tăng sức mạnh hải quân của mình, Đô đốc John Richardson – Chỉ huy Các chiến dịch Hải quân Mỹ cảnh báo ngày 16-5.
“Chúng ta đang trở lại thời kỳ cạnh tranh hàng hải. Để có khả năng thực hiện các phương án tốt, mang lại các cơ hội cho đối tác, Mỹ cần phải có sức mạnh ở đó. Con số là một phần của giải pháp” – Đô đốc Richardson nói tại cuộc họp báo từ căn cứ hải quân Changi ở Singapore.
“Một số sức mạnh toàn cầu, như Trung Quốc, Nga đang phát triển. Đặc biệt là Trung Quốc. Họ trưởng thành ở mọi khía cạnh”.
“Chúng ta cần phải chú ý rằng thực tế này đang diễn ra và tiến về phía trước theo một con đường đặc biệt. Nếu chúng ta duy trì đủ sức cạnh tranh, chúng ta sẽ bắt kịp con đường này tốt hơn”.
“Chúng ta cần xây dựng một lực lượng hải quân không chỉ lớn hơn, mà còn phải tốt hơn. Không chỉ là về các con số, khí tài, mà còn về khả năng hoạt động đem lại sức mạnh của chúng” – theo Đô đốc Richardson, cần đẩy nhanh việc sản xuất tàu chiến. Tuy nhiên theo ông, Mỹ cũng không nên quá hoang mang với việc Trung Quốc đang cố tăng cường sức mạnh quân sự cho cân xứng với ảnh hưởng kinh tế của mình.
Đô đốc John Richardson – Chỉ huy Các chiến dịch Hải quân Mỹ. Ảnh: SCMP
Đô đốc Richardson đưa ra cảnh báo này một ngày trước khi Mỹ công bố sách trắng hải quân vào ngày 17-5 (giờ Mỹ).
Dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chính thức công bố đề xuất tài khóa 2018 vào tuần tới. Ông Trump muốn tài khóa 2018 ưu tiên tăng chi tiêu quân sự, từng tuyên bố Chương trình hiện đại hóa hải quân quy mô lớn, mở rộng hạm đội hải quân từ 272 tàu lên 350 tàu.
Russia Today nhận định phát ngôn này của Đô đốc Richardson phù hợp với chính sách quân sự hiện tại của Mỹ. Theo Russia Today, gần đây các lực lượng hải quân Mỹ năng động hơn ở các khu vực gần các bờ biển của Nga và Trung Quốc. Trong vài tháng vừa qua, tàu hải quân Mỹ đã nhiều lần vào biển Baltic và biển Đen, tiếp cận vùng biển Nga, tập trận với các đồng minh NATO.
Để đối phó với các thách thức này, hải quân Nga đã thực hiện một chương trình hiện đại và mở rộng các hạm đội tàu chiến nổi và tàu ngầm quy mô lớn. Một trong những ưu tiên hàng đầu là sản xuất tàu ngầm hạt nhân lớp Borey, được xem là xương sống chiến lược phòng thủ của Nga.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ. Ảnh: SCMP
Hải quân Nga cũng đang phát triển tàu khu trục thế hệ thứ ba, trong đó có các tàu lớp Đô đốc Gorshkov và Đô đốc Grigorovich. Cả hai lớp tàu này dự kiến sẽ thay thế tàu khu trục lớp Sovremennyy từ thời Xô Viết, tăng sức mạnh hải quân Nga ở các vùng biển sâu. Hải quân Nga cũng đang nỗ lực sở hữu thêm tàu hộ tống, tàu hoạt động gần bờ bảo vệ bờ biển Nga.
Năm ngoái, hải quân Nga đã triển khai một số lượng tàu chiến đến đông Địa Trung Hải hỗ trợ hoạt động quân sự của Nga ở Syria. Trả lời phỏng vấn CNN năm ngoái, Đô đốc Mark Ferguson – Chỉ huy Lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu nhận định hải quân Nga đã có bước phát triển lớn.
“Chúng tôi nhận thấy Nga có nhiều hệ thống vũ khí, hệ thống tên lửa tiên tiến hơn, có khả năng tấn công ở tầm xa... Chúng tôi không thể biết hết 100% hoạt động tàu ngầm của Nga hiện tại. Tàu ngầm tấn công của chúng ta vẫn tốt hơn, nhưng tốt hơn không nhiều”.
Trong khi đó Rusia Today thừa nhận hải quân Mỹ vẫn là lực lượng hải quân quy mô lớn và hùng mạnh nhất thế giới, có khả năng duy trì hiện diện khắp toàn cầu. Mỹ là nước duy nhất trên thế giới có 12 đội tàu tấn công có khả năng tuần tra các vùng biển, là mối sự đe dọa lớn với các nước đối thủ. Bằng chứng là Triều Tiên đã rất lo ngại việc Mỹ triển khai đội tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đến Đông Bắc Á, tập trận với Nhật cùng một số nước khác.
Tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đội tàu tấn công Mỹ vào Đông Bắc Á. Ảnh: SCMP
Về phía Trung Quốc, South China Morning Post dẫn lời nhà bình luận quân sự nước này Ni Lexiong nói quân đội Mỹ luôn luôn tìm cách cường điệu hóa đe dọa Trung Quốc với hy vọng được chính phủ Mỹ phân bổ ngân sách lớn hơn. Ông Ni Lexiong cũng tự tin “chính phủ Trump sẽ cẩn thận tránh khiêu khích các quyền lợi cơ bản của Trung Quốc, chẳng hạn về biển Đông và Đài Loan, ít nhất đến khi khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên được giải quyết”.
Trung Quốc đang khẩn trương tiến hành hiện đại hóa quân đội. Tháng trước, Trung Quốc vừa ra mắt tàu sân bay tự đóng đầu tiên, giữa bối cảnh cộng đồng thế giới lo ngại về thái độ cứng rắn của Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông.
Các đồng minh Mỹ và nhiều nước ở châu Á đang băn khoăn liệu ông Trump có tiếp tục chiến lược tái cân bằng quân sự tại khu vực này của ông Obama, trong đó có tăng hiện diện hải quân ở biển Đông.
Các chiến dịch tuần tra biển Đông của Mỹ đã bị ngưng sau khi ông Obama mãn nhiệm. Ngày 15-5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis nói Mỹ “sẽ tiếp tục” tuần tra biển Đông, nhưng không nói rõ khi nào. Bà Bonnie Glaser, nhà phân tích an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) nhận định Mỹ sẽ sớm khôi phục hoạt động này.