Trao đổi thắc mắc liên quan tới đề thi, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết: Đây là năm thứ hai kỳ thi áp dụng thi trắc nghiệm với 4/5 bài thi, mỗi đề thi trắc nghiệm có 24 mã đề thi để đảm bảo không có gian lận xảy ra.
Về độ khó của đề thi, ông Hồng cho rằng mọi người nên căn cứ vào nội dung trước khi quan tâm đến độ khó. Ông Hồng cho rằng hội đồng ra đề đã tuân thủ theo đúng chỉ đạo của ban chỉ đạo là tất cả nội dung nằm trong sách giáo khoa lớp 11 và 12. Trong đó, nội dung lớp 12 chiếm 80%-85% và toàn bộ nằm trong nội dung của chương trình phổ thông. Nội dung chắc chắn không vượt quá chương trình các em học.
Ông Hồng cũng khẳng định cấu trúc đề thi năm nay được giữ nguyên, không thay đổi so với năm 2017. Vẫn là 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao và phần này cũng nằm trong kiến thức lớp 11 và 12.
Hội đồng thi làm theo đúng chỉ đạo của ban chỉ đạo là đề thi phải được tăng cường phân hóa, trong đề có những câu rất dễ đến những câu rất khó để tăng cường phân loại các thí sinh. Vì vậy, phải có những câu hỏi được tăng độ khó lên. Không thể nào là tất cả các câu đều khó mà chỉ có vài câu khó để phân loại.
“Độ khó của đề thi năm 2018 phải khó hơn 2017 vì nội dung đã được mở rộng ra kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, học sinh khi học lớp 11 đã được thông báo sớm. Kiến thức rộng ra khiến cảm giác đề thi khó hơn” - ông Hồng nói.
Liên quan đến thắc mắc lộ đề thi môn vật lý và lịch sử, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết: Sau khi nhận được thông tin phản ánh việc đề thi môn vật lý, lịch sử lọt ra ngoài, ban chỉ đạo đã kiểm tra và xác nhận rằng đề được đưa lên mạng khi giờ làm bài thi môn đó đã kết thúc nên không phải lộ đề, cũng không ảnh hưởng kết quả kỳ thi.
Theo ông Trinh, quy chế quy định thí sinh được đưa vào phòng thi thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, chỉ thu, không phát. Vì vậy, có thể các thí sinh tự do mang theo thiết bị, kết thúc môn thi mới truyền đề ra ngoài rồi tiếp tục thi môn tiếp theo.