“Đổ thải ra biển là vấn đề kiêng kỵ trên thế giới”

“Việc đổ thải ra biển là vấn đề kiêng kỵ trên thế giới vì như thế là đầu độc biển, đầu độc môi trường sống. Không chỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân mà bất kỳ một dự án, nhà máy nào tính đến việc đổ thải ra biển đều không thể chấp nhận được". GS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, GS khoa học Quản trị đại dương ĐH Quốc gia, nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề hội thảo khoa học quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) trong hai ngày 14 và 15-11.

GS Nguyễn Chu Hồi trả lời báo chí bên lề hội thảo. Ảnh: TẤN LỘC

Trả lời câu hỏi của PV: “Là một nhà khoa học nghiên cứu về môi trường biển, GS nghĩ gì trước đề xuất của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ cho đổ 1,5 triệu m3chất thải xuống vùng biển Tuy Phong?”, GS Nguyễn Chu Hồi nói: “Chúng ta phải thay đổi nhận thức về vấn đề chủ quyền. Lâu nay nói đến vấn đề chủ quyền, chúng ta hay nhấn mạnh đến chủ quyền ở các vùng biển, đảo mà ít giáo dục, đề cập đến chủ quyền các nguồn tài nguyên.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong Công ước về biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, có đến 3/4 nội dung nói về quyền, nghĩa vụ của các quốc gia đối với tài nguyên, môi trường. Tôi nói điều này để thấy rằng tài nguyên, môi trường gắn liền với chủ quyền.

Trên thế giới, việc đổ thải ra biển là vấn đề kiêng kỵ. Biển là một hệ thống có thể tự điều chỉnh, tự hòa loãng, tự hòa tan một số chất ô nhiễm. Nhưng điều đó không có nghĩa là biển có đủ khả năng để chấp nhận mọi sự xả thải tự do của con người. Ở đây, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân lại định đổ thải ra vùng biển liên quan đến khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đây là một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam mà tháng 5-2010 lần đầu tiên Thủ tướng ra quyết định phê duyệt các khu bảo tồn biển. Để Thủ tướng phê duyệt các khu bảo tồn biển này, các nhà khoa học phải mất 12 năm liền nghiên cứu, tranh luận. Chúng ta vừa mới đưa biển Hòn Cau vào bảo tồn gần đây thôi!

Thành công hay không của một nước đi sau là học được thất bại của những nước đi trước. Muốn như thế, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề không chỉ khi nó đã xảy ra mà phải xem quá trình sàng lọc đầu tư là quan trọng nhất. Nếu cho phép họ đổ thải ra biển sẽ tạo ra tiền lệ hết sức nguy hiểm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới