Đang họp báo về trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang

Buổi họp báo do ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, chủ trì. Tại cuộc họp báo này, Bộ GTVT sẽ công bố thời gian thu phí trở lại đối với trạm BOT Cai Lậy trên tuyến QL1 (Tiền Giang).

Sau khi đại diện đọc báo cáo về phương án thu phí trở lại trạm BOT Cai Lậy, các phóng viên bắt đầu đặt câu hỏi.

PV báo Pháp Luật TP.HCM hỏi: Quốc hội có nghị quyết về việc đặt trạm BOT, Bộ GTVT giữ nguyên vị trí trạm hiện nay, Bộ cho biết căn cứ pháp lý để giữ lại trạm BOT? Quốc hội không cho phép đặt trạm trên tuyến độc đạo. Hiện nay trạm BOT Cai Lậy đã đặt rồi, làm như hiện nay có trái với nghị quyết Quốc hội?

Để đảm bảo an ninh trật tự, phương án sẽ như thế nào? 

PV báo Dân Việt hỏi UBND tỉnh Tiền Giang: Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy và giảm phí. Về phương án này về tỉnh và Bộ có phương án gì đảm bảo thu phí an toàn? Trước đây tài xế phản đối gây rối trạm, nếu gây rối tiếp thì xử lý như thế nào? Việc tài xế sử dụng tiền lẻ thì chính quyền và ngành chức năng có hướng xử lý thế nào?

PV Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Việc kiểm tra doanh thu các trạm thu phí thực hiện như thế nào?

Trả lời báo chí, Bộ GTVT trả lời theo Nghị quyết 437 Quốc hội ban hành vào năm 2017, thời gian tới Bộ GTVT không đầu tư BOT vào đường độc đạo và Bộ thực hiện việc này từ năm 2017 đến nay.

Còn vì sao dự án Cai Lậy giữ nguyên vị trí như vậy mà không vi phạm Nghị quyết Quốc hội, Bộ nhiều lần làm việc với các cơ quan chứ năng, với tỉnh Tiền Giang và đưa ra năm phương án, trong đó phương án 1 là lựa chọn hiện nay.

"Về thẩm quyền và cơ sở đặt trạm thu phí: Nhiều ý kiến nói đặt trạm chưa hợp lý, nhưng góc độ đặt trạm thu phí thuộc quyền Bộ GTVT. Bộ đã thống nhất với địa phương. Việc đặt trạm đảm bảo công khai, minh bạch. "Tôi khẳng định việc đặt trạm là đúng quy định pháp luật và công khai minh bạch"- đại diện Bộ GTVT nói.

Ông Phạm Văn Cường, Phó giám đốc hành chính Công ty TNHH đầu tư QL1, trả lời về việc sử dụng tiền lẻ: Sau hơn 1 năm dừng thu phí, nhà đầu tư lỗ hơn 130 tỉ đồng, như vậy làm ăn đầu tư đi vào ngõ cụt.

"Hiện nay cho phép thu lại và giảm vé 63%, từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng, trong khi chi phí vận hành vẫn chừng đó. Đó là gánh nặng nhà đầu tư chịu đựng hơn 1 năm nay. Bỏ vốn ra đầu tư mong thu lại hiệu quả, tình hình xảy ra như vậy, việc giảm giá là biện pháp cuối cùng. Còn câu chuyện còn lại là của Nhà nước. Nên nếu tài xế dùng tiền lẻ thì biện pháp của nhà đầu tư là xả trạm, đếm tiền và năn nỉ tài xế."

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyên Nhật trả lời: BOT Cai Lậy dừng hơn 1 năm thì hơn 1 năm qua Thường trực Chính phủ họp hai lần. Sau một năm nghiên cứu, rà soát ý kiến các bộ ngành, việc thu phí trở lại được thực hiện theo hướng giữ nguyên vị trí trạm, yêu cầu rà soát lại vấn đề và cho sửa chữa lại toàn bộ dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT trả lời tại buổi họp báo.

Bên cạnh đó cũng sẽ cùng nhà đầu tư và Tiền Giang phân luồng lại luồng xe cho an toàn. Đang cho rà soát cùng địa phương mở rộng phạm vi giảm thu phí. Hôm nay họp báo để xem ý kiến góp ý phản hồi như thế nào, Bộ có cần xử lý gì nữa không, Tỉnh và nhà đầu tư có cần chỉnh sửa gì nữa không để tổng hợp ý kiến, quyết định thu phí vào ngày nào. Bộ, tỉnh và nhà đầu tư cần làm gì mới có đưa ra kết luận...

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: "Hiện nay nhà đầu tư thiệt hại 130 tỉ rồi, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Bộ GTVT chủ trương xử lý sớm việc này để ổn thỏa nhất cho dự án."

Ông Phạm Văn Cường, Phó giám đốc hành chính Công ty QL1 Tiền Giang nói về cơ sở pháp lý để đặt trạm thu phí tại QL1: Trước đó đã được đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng đồng ý và chấp thuận làm tuyến tránh và thống nhất vị trí đặt trạm.

"Còn tại sao không đặt trạm thu phí trên đường tránh, nếu đặt tại đường tránh phải thu phí 23 năm, không có ngân hàng nào cho vay vốn đến 23 năm, lúc đó không vay vốn được và không làm đường tránh được. Ý nghĩa xây dựng đường tránh là hoàn toàn đúng đắn giải tỏa áp lực giao thông. Đó là lý do đặt trạm thu phí trên QL1".

Ông Phan Văn Cường khẳng định: Chủ đầu tư sẽ chia sẻ với người dân khi qua trạm. Sẵn sàng đồng hành cùng tài xế qua trạm. Khi thu phí sẽ có xe cứu thương, xe cứu hộ qua trạm hoàn toàn miễn phí để cho người bị tai nạn hưởng được giờ vàng.

Trả lời câu hỏi lần thu phí này có khác với lần trước, theo Bộ GTVT lần thu phí này công khai, minh bạch hơn. Bộ cùng các ngành đã có rà soát, thanh tra, đảm bảo tính minh bạch, công khai hơn đối với dự án.

PV Báo Công an Nhân dân hỏi: Công tác an ninh trật tự tại trạm khi thu phí trở lại đảm bảo như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Tỉnh sẽ họp với các sở, ngành và Công an, các cơ quan có trách nhiệm đảm bảo trật tự, an ninh khi thu phí trở lại. Đối với doanh nghiệp và Bộ sẽ phối hợp xử lý những bất cập xảy ra và không tạo bất đồng giữa doanh nghiệp và người dân.

Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương có ý kiến: Tổ chức họp báo này hết sức ý nghĩa, được xã hội quan tâm và trở thành điểm nóng. Tham gia xử lý vấn đề này không chỉ Bộ GTVT…

Từ sau sự cố Cai Lậy, vấn đề chính là làm sao chúng ta có thể thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền những thông tin chính thống và hoạt động có ích cho xã hội mà BOT là một trong những công việc này.

"Tôi hoan nghênh báo chí đặt các câu hỏi tại cuộc họp báo mà dư luận đang quan tâm. Đối với an ninh trật tự là vấn đề lớn, làm sao để an ninh trật tự không phải xảy ra. Chúng ta phải thông tin tuyên truyền làm sao an ninh trật tự không xảy ra. Tôi cho rằng đó là thuộc về trách nhiệm của nhiều cơ quan. Tôi mong rằng các cơ quan báo chí góp phần làm cho vấn đề này ổn định và góp phần thực hiện chủ trương đúng đắn của Chính phủ làm cho nhiều người dân hiểu và đồng thuận vấn đề này để không xảy ra vấn đề an ninh trật tự như trước đây."

Kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng: cơ sở hạ tầng giao thông của ta còn kém cần được đầu tư rất nhiều, tuy nhiên ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp. Thời gian vừa qua chúng ta triển khai nhiều dự án BOT, tuy nhiên khi đó chưa có luật triển khai đầu tư đối tác công tư PPP. Tháng 4-2015 mới có Nghị định 30 về hướng dẫn đầu tư dự án BOT. Qúa trình triển khai một số dự án chưa có luật nên khi rà lại thì có một số bất cập. Hịện nay chúng tôi đang rà soát tổng thể các trạm BOT để xử lý từ từ, làm thế nào cho hoàn chỉnh nhằm đưa cơ sở hạ tầng vào phục vụ. BỘ GTVT phải chịu trách nhiệm và xử lý đến cùng bất cập BOT, phục vụ tốt nhất đối với nhân dân.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật kết luận tại buổi họp báo.

Dưới đây là quang cảnh buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chủ trì buổi họp báo.

Các vị lãnh đạo Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư đã ngồi vào vị trí.

Đại diện Bộ GTVT đang báo cáo về phương án thu phí BOT Cai Lậy.

Sau thời gian hơn một năm (tháng 8-2017) tạm dừng để kiểm tra, rà soát, đề xuất các phương án thu phí mới, theo kế hoạch dự kiến, BOT Cai Lậy sẽ tổ chức thu phí trở lại cuối tháng 2-2019. Thời gian thu phí cụ thể sẽ được Bộ GTVT thông tin vào chiều nay (25-2).

Chuẩn bị vào buổi họp báo

Theo Bộ GTVT, phương án thu phí được lựa chọn là giữ nguyên trạm thu phí BOT Cai Lậy như hiện nay, giảm giá tối đa chung cho các phương tiện qua trạm BOT Cai Lậy. Các loại xe nhóm 1 giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt (tương ứng giảm 57%)…

Mức giá vé lượt, vé tháng và vé quý áp dụng cho các nhóm phương tiện khác cũng giảm từ 40 - 60% so với trước và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận đến khoảng 10km. Theo tính toán với phương án này, thời gian thu phí của dự án là khoảng 15 năm 9 tháng, trong khi phương án thu phí trước đây chỉ 7 năm. 

Dự án đầu tư xây dựng QL 1 qua thị xã Cai Lậy, tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỷ đồng, bao gồm tăng cường mặt đường QL 1 dài 26,5 km và xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12 km. Trạm thu phí đặt trên QL1 để thu phí hoàn vốn cho dự án trên.

Trạm BOT Cai Lậy từng gây ồn ào trong dư luận thời gian qua.

Rất đông báo, đài đến dự họp báo

Trạm đi vào hoạt động ngày 1-8-2017. Nhiều lái xe phản ứng đã sử dụng tiền lẻ mua vé, tụ tập đông người gây ùn tắt giao thông, mất an ninh trật tự vì cho rằng trạm BOT Cai Lậy đặt không đúng vị trí  khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Từ ngày 4-12- 2017, dự án BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng thu phí, chờ phương án xử lý của Chính phủ cho đến nay.  

Theo Bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại, dự án đã dừng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hơn một năm (từ tháng 8-2017), nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và ngân hàng cho vay vốn lo ngại về khả năng thu hồi vốn. Để sớm giải quyết các khó khăn của dự án, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, đặc biệt là dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cần sớm thu giá dịch vụ trở lại đối với dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm