Kiểm tra “sức khỏe” đường hầm sông Sài Gòn sau 10 năm

Đường hầm sông Sài Gòn (nối quận 1 và TP Thủ Đức, TP.HCM) đang được cơ quan chức năng kiểm định tổng thể lần đầu tiên với quy mô lớn sau 10 năm đi vào hoạt động. Được biết đường hầm này có tuổi thọ thiết kế khoảng100 năm và cứ sau 10 năm sẽ được kiểm tra định kỳ một lần.

Kiểm định sau 10 năm hoạt động

Đường hầm sông Sài Gòn được kiểm định từ ngày 19-12 và kéo dài khoảng một tháng. Theo đó, sau 23 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, các nhân viên của đường hầm sông Sài Gòn chính thức cấm xe máy, ô tô qua lại để phục vụ cho công tác kiểm định.

Theo ghi nhận của PV, phía ngoài cửa hầm sông Sài Gòn có hơn 40 xe tải nặng phục vụ cho công tác thử tải.

Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình giao thông (đơn vị kiểm định) cho biết sau khi kiểm định xong, đơn vị kiểm định sẽ tiến hành các phân tích nội nghiệp để đưa ra đánh giá về tình trạng “sức khỏe” và khả năng khai thác, vận hành trong giai đoạn tiếp theo của đường hầm.

Kỹ sư cao cấp Nguyễn Văn Nhậm, chuyên gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, nguyên trưởng bộ môn cầu hầm Trường ĐH Giao thông vận tải, đánh giá hầm sông Sài Gòn là một công trình đặc biệt, thậm chí đặc biệt hơn hầm Hải Vân vì đây là hầm vượt sông lớn nhất ở Việt Nam.

Theo ông Nhậm, hầm sông Sài Gòn có tuổi thọ 100 năm thì công tác kiểm định cũng giống kiểm tra tổng thể sức khỏe của con người. Từ đó, đánh giá chất lượng tổng thể dự án sau một thời gian khai thác.

Kiểm tra chi tiết, tỉ mỉ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đơn vị kiểm định cho biết công ty có nhiều dụng cụ, kinh nghiệm để kiểm định, đánh giá với độ chính xác cao. Theo đó, để đo ở mỗi vị trí khác nhau thì cần cho xe đi qua để đọc các thông số khi có tải và không tải. Từ đó, so sánh đáp ứng của công trình dưới tác động của trọng tải và đánh giá “năng lực” làm việc của công trình.

PGS-TS Nguyễn Hữu Thuấn, giảng viên cao cấp Trường ĐH Giao thông vận tải, chủ trì công tác kiểm định hiện trường, giải thích trước khi thử tải, các máy móc, thiết bị đo đạc công trình sẽ được lắp đặt, sau đó xe thử tải sẽ được xếp ở các vị trí đã được tính toán trước, các số liệu về ứng xử của kết cấu hầm sẽ được ghi nhận lại.

Dựa trên các số liệu này, các chuyên gia của công ty sẽ phân tích, đánh giá về khả năng chịu lực của kết cấu hầm, từ đó đưa ra các kết luận, kiến nghị phù hợp.

Theo ông Thuấn, đặc thù của công tác kiểm định hầm sông Sài Gòn là tính phức tạp về kết cấu và vật liệu so với các công trình giao thông khác như cầu, đường… Ngoài ra điều kiện kiểm định hiện trường cũng rất khó khăn do phải làm việc trong hầm và vào ban đêm.

“Tuy nhiên, xác định đây là công trình quan trọng của TP nên đội ngũ nhân lực của công ty đã nỗ lực hết sức để hoàn thành công việc, đảm bảo tiến độ và chất lượng” - TS Thuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình giao thông, cho biết: “Tuy đây là công trình vượt sông lần đầu tiên được kiểm định, song công nghệ kiểm định hầm hiện nay đều đã được các kỹ sư Việt Nam làm chủ”.

Đường hầm sông Sài Gòn được kiểm định quy mô lớn sau 10 năm đưa vào sử dụng. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đường hầm sông Sài Gòn là dạng hầm dìm, ngập dưới nước nên điều kiện khai thác và làm việc của hầm cũng khắc nghiệt hơn. Việc này có thể dẫn đến sự suy giảm chất lượng công trình, do đó phải tiến hành công tác kiểm định, khám bệnh tổng thể cho công trình để có biện pháp duy tu, bảo trì phù hợp.

Rất may mắn là sau vài ngày kiểm định đánh giá, mặc dù đã kiểm tra tương đối kỹ nhưng chưa thấy phát hiện hư hỏng, bất thường lớn trên kết cấu hầm. Việc kiểm tra hiện trạng công trình, đo đạc đánh giá về khả năng chịu tải, hiện trạng các vết nứt và công tác phân tích nội nghiệp đang được công ty khẩn trương tiến hành. Từ đó sẽ có đánh giá cuối cùng về chất lượng công trình và các khuyến nghị cần thiết để đảm bảo an toàn khai thác cho hầm.

“Sau 10 năm khai thác, chưa xuất hiện các hư hỏng bất thường, chứng tỏ việc duy tu, bảo trì thường xuyên công trình đã được thực hiện tốt, giúp đảm bảo tuổi thọ cho công trình…” - ông Hải nhận định.

Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, cho biết: Công tác kiểm định được thực hiện rất nhiều hạng mục như thử tải, kiểm tra kết cấu bê tông, các yếu tố tác động… theo đúng tiêu chuẩn, quy trình quản lý vận hành đã được phê duyệt.

Mục đích của việc kiểm định là để đánh giá chất lượng công trình trong quá trình khai thác vừa qua. Đồng thời, xem xét đánh giá các điều kiện khai thác công trình nhằm đảm bảo an toàn sử dụng trong thời gian tới.

“Đây là một trong những yếu tố để bổ sung vào công tác quản lý, vận hành, bảo trì trong thời gian tới. Từ đó, có thể đưa ra những khuyến cáo trong quá trình kiểm định để thực hiện khai thác trong thời gian tới được tốt hơn, an toàn theo đúng tuổi thọ công trình” - ông Tấn cho hay.•

Hầm chui vượt sông lớn nhất Đông Nam Á

Hầm sông Sài Gòn là hầm chui vượt sông lớn nhất Đông Nam Á, có tổng chiều dài 1.490 m, bao gồm ba đoạn chính là hầm dẫn phía quận 1 có tổng chiều dài 585 m; hầm dẫn phía TP Thủ Đức có tổng chiều dài 535 m; hầm dìm bao gồm bốn đốt hầm, tổng chiều dài 370 m.

Đây là hầm giao thông hộp đôi rộng 33,3 m; bao gồm hai hướng lưu thông với ba làn xe/hướng và bề rộng mỗi bên đường hầm là 11,5 m.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm