Bộ Nông nghiệp nói về sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL

Nhiều ý kiến lo ngại tình hình sụt lún, sạt lở ở ĐBSCL có nguy cơ ngày càng phức tạp. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã bày tỏ một số quan điểm về vấn đề này.

Nhiều nguyên nhân gây sụt lún ở ĐBSCL

. Phóng viên: Có những nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi năm ĐBSCL và TP.HCM sụt lún 1-1,5 cm. Quan điểm của ông về nghiên cứu này thế nào?

+ Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Theo tôi, nghiên cứu này rất có giá trị ở góc độ cảnh báo.

Có nhiều nguyên nhân gây sụt lún ở khu vực này. Nhiều người nói đó là do khoan nước ngầm nhiều. Tuy nhiên, theo khảo sát, có những chỗ khoan nước ngầm nhiều nhưng không sụt lún, có những chỗ không khoan vẫn sụt lún.

Hiện có một nghiên cứu của Bộ TN&MT chỉ ra rằng có khoảng 10% diện tích đang trồi lên, 30% diện tích đất không bị sụt lún, số còn lại mới bị sụt lún.

ĐBSCL là vùng đất non trẻ, chưa xác định được bên dưới có những gì, chưa có nghiên cứu việc lún sẽ đến mức nào. Các giải pháp cho việc sụt lún thì sẽ có nhiều đơn vị, bộ ngành cần vào cuộc.

Theo quản lý chuyên ngành của Bộ NN&PTNT thì sẽ đưa vào biện pháp cân bằng nước ngọt để hạn chế khoan nước ngầm, tích trữ nhiều nước ngọt rải rác để bổ sung nước ngọt thay nước ngầm.

Hiện trường một vụ sụt lún đường bê tông trên đê biển tây Cà Mau. Ảnh:  TRẦN VŨ

Lo ngại chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Mekong

Việc phát triển ở thượng nguồn sông Mekong có ảnh hưởng đến ĐBSCL không, thưa Thứ trưởng?

 Có và đây là ảnh hưởng xấu. Đáng lo ngại nhất với Bộ NN&PTNT ở góc độ sản xuất nông nghiệp là họ chuyển nước khỏi lưu vực sông Mekong.

Ví dụ, bây giờ Campuchia có ý định chuyển nước sang vùng khác để phát triển thêm 2 triệu ha trồng lúa. Họ buộc phải ngăn đập và chuyển nước đi chỗ khác, vậy nước sẽ không còn về ĐBSCL. Đây là nguy cơ lớn nhất về sản xuất, sinh hoạt cho người dân vùng hạ lưu.

Hiện nay các quốc gia trên dọc sông Mekong đang xây dựng nhà máy thủy điện với tổng cộng 60 tỉ m3. Đến năm 2030, dự kiến có khoảng 100 tỉ m3.

Nguyên tắc của thủy điện là tích nước mùa mưa để phát điện vào mùa hạn. Ở góc độ điều hành thì nước ở mùa kiệt sẽ nhiều hơn trước, nước về mùa lũ nhỏ hơn trước. Như vậy, ĐBSCL khả năng lũ lớn không còn, lũ nhỏ rất ít, thế nhưng nó nguy hiểm ở chỗ không còn phù sa chảy về.

Khi phù sa không về đồng bằng sẽ thay đổi toàn bộ quy luật dòng chảy, gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển.

. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?

+ Câu chuyện thượng nguồn sông Mekong có Ủy ban Sông Mekong, Ủy ban Sông Lan Thương. Trong ủy ban có nguyên tắc hoạt động, là nguyên tắc trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin... Cùng với đó lại có quy chế của Liên Hợp Quốc là các quốc gia hoàn toàn có quyền sử dụng dòng sông chảy qua địa phận mình.

Trong đấu tranh với các nước thượng nguồn, chúng ta phải khéo léo và có bài bản. Đối với việc này, Việt Nam sẽ có nguyên tắc của mình, đấu tranh đến cùng để hạn chế việc xây thủy điện và không được phép chuyển nước khỏi khu vực.

Một vấn đề quan trọng khác là cần phải chia sẻ thông tin trong điều hành như mực nước về hồ của các nước, mức xả bao nhiêu, dự kiến thế nào.

Trong điều kiện bất lợi nhất là tất cả nhà máy thủy điện ở thượng lưu đều hoạt động, Việt Nam sẽ tính toán thế nào?

+ Dòng chảy về lưu vực ĐBSCL những năm nước cao là 450 tỉ m3, năm nước thấp như năm nay là 350 tỉ m3. Nhu cầu dùng nước trong một năm ở ĐBSCL là 20 tỉ m3, bao gồm cả sản xuất và sinh hoạt.

Như vậy là Việt Nam có đủ nguồn nước. Bằng các giải pháp công trình, phải tích trữ lại lượng nước không dùng hết (330 m3 - PV), không để chảy ra biển cho đến khi mùa mưa tới.

. Xin cám ơn thứ trưởng.

Thuận thiên là thích nghi có kiểm soát

Với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn như hiện nay tại ĐBSCL, Bộ NN&PTNT có những giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài thế nào, thưa Thứ trưởng?

+ Về biện pháp ứng phó, chúng ta cần thích nghi có kiểm soát. Hiện nay, một số ý kiến cho rằng nên “thuận thiên”, nghĩa là cứ mặc kệ cho những cực đoan này diễn ra  nhưng nếu vậy thì con người sẽ không sống được. Nên hiểu thuận thiên theo ý thích nghi, còn có kiểm soát ở đây là dùng các biện pháp công trình và phi công trình để thích ứng ở điều kiện chấp nhận được.

Ở ĐBSCL, nhiều người cho rằng nếu mặn thì nuôi tôm nhưng nếu mặn đến mức không nuôi tôm được thì sao? Năm nay mặn vào 1 km, năm sau vào 2 km thì quy hoạch kiểu gì? Không thể năm nay nuôi tôm, năm sau trồng cây được.

Vậy chuyện tiếp theo là mình có kiểm soát được không. Tôi khẳng định là được. Chỉ có điều đối với khu vực này phải chia thành từng vùng có tính chất khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau để tính toán, kiểm soát.

Vừa rồi, bộ đang trình Chính phủ về việc bảo đảm nước sinh hoạt bền vững cho người dân ĐBSCL. Mục tiêu là đảm bảo trong khoảng ba năm nữa không có tình trạng người dân không có nước uống. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

(PLO)- Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn, sang tháng 4 và tháng 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là trên 39 độ C.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

(PLO)- Một số địa bàn vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh.