Thông tin về tình hình sạt lở trên quốc lộ 91 (QL91) thuộc địa bàn huyện Châu Phú, An Giang, chiều 27-5, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, cho biết: Huyện đang theo dõi sát tình hình sạt lở cũng như chuẩn bị phương án di dân. Ngoài ra, huyện cũng lên kế hoạch làm đường tránh để người dân lưu thông tạm.
Di dân, làm thêm đường tránh
QL91 đoạn qua địa bàn ấp Bình Tân, huyện Châu Phú, An Giang (cách vị trí sạt lở năm 2019 khoảng 80 m về hướng hạ lưu sông Hậu) có chỗ sạt lở lớn, ăn sâu vào mặt đường.
Đoạn sạt lở dài 40 m theo hướng thẳng đứng, ăn sâu vào 1/3 mặt đường QL91, làm ảnh hưởng đến 27 hộ dân có nhà cặp bờ sông Hậu. Các hộ này buộc phải di dời khẩn cấp.
Nguyên nhân sạt lở bước đầu được cơ quan chức năng xác định là do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng dẫn đến nền đất yếu và sạt lở.
Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết huyện đã lên phương án di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, huyện sẽ thông báo, cắm biển cảnh báo sạt lở, rào chắn không cho người, phương tiện vào khu vực có nguy cơ sạt lở. Song song, huyện cũng bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.
Theo ông Lâm, địa phương hiện có khoảng 29 hộ và 16 lều trại dọc sông Hậu nằm trong vùng cảnh báo sạt lở. Đối với những hộ không có đất di dời, huyện dự kiến sẽ bố trí tạm thời vào cụm tuyến dân cư vượt lũ xã Bình Long. Mỗi hộ bị ảnh hưởng di dời sẽ được hỗ trợ tổng cộng 50 triệu đồng.
Về việc làm đường tránh cho dân đi tạm, ông Lâm cho hay huyện đang khảo sát, rà soát và lên phương án thực hiện. Dự kiến chiều dài đường tránh khoảng 1,2 km (mặt đường
5 m, lề mỗi bên 1 m). Vị trí làm đường tạm nằm dưới bến đò Thanh Bình khoảng 100 m. Tạm thời huyện sẽ mượn đất của dân (khoảng hai năm) để làm đường và sau đó sẽ bồi thường cho dân theo giá tại thời điểm thu hồi.
Khu vực sạt lở trên quốc lộ 91 sáng 27-5. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Giải pháp khả dĩ nhưng khó làm
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập các hệ sinh thái ĐBSCL, cho rằng tình hình sạt lở QL91 lần nữa như hiện nay là không ngạc nhiên.
Ông Thiện lý giải đoạn này là đoạn sông cong và thiết diện thu hẹp. Dòng chảy luôn có khuynh hướng muốn đi thẳng nhưng đến đoạn sông cong buộc phải đổi hướng nên sẽ tạo lực ly tâm. Lực ly tâm này va đập vào bờ phía vịnh tạo dòng chảy xoắn ăn vào chân bờ, tạo hàm ếch rồi nạo vào đáy sông, sau đó tạo ra vực thẳm. Lúc này bờ sông ở trên không có gì chống đỡ nên đổ ụp xuống.
Về nguyên nhân sâu xa, theo ông Thiện, hệ thống sông hiện nay thiếu hụt cát và phù sa. Do vậy, đáy sông sâu hơn, bờ nặng hơn, dòng chảy bị dư năng lượng, hình thành “nước đói” có sức công phá lớn, tạo ra vực thẳm và cắt đứt chân bờ sông nhanh hơn.
Nói về các biện pháp khắc phục, ông Thiện cho rằng biện pháp làm kè ở khu vực này là không hiệu quả, chỉ lãng phí.
“Làm kè ở đoạn này thì “vấn đề” sẽ dịch chuyển xuống phía dưới kè (hướng hạ lưu dòng chảy). Điều này có nghĩa chúng ta chỉ đang di chuyển “vấn đề” sang vị trí khác chứ không phải là giải quyết vấn đề triệt để. Rút lui, chấp nhận sạt lở cũng là một giải pháp nhưng nó lại không khả thi vì lượng dân cư rất đông, không di dời được hết” - ông Thiện phân tích.
Đối với đề xuất giải pháp chỉnh trị dòng sông mà tỉnh An Giang đề xuất, ông Thiện nhận định đây là phương pháp khả dĩ nhất nhưng khi làm cũng không dễ.
Thứ nhất, chỉnh trị dòng sông cần có công trình chỉnh dòng ở đáy sông chứ không chỉ là nạo vét cát. Việc chỉnh trị dòng sông đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật cao, thiết kế rất chặt chẽ. Ngoài ra còn phải tính đến việc bồi thường sạt lở phía bờ bên kia và phải tính đến ngăn chặn cát lấp dòng mới.
Thứ hai, việc tỉnh An Giang đề xuất thực hiện xã hội hóa dự án có thể giải quyết được vấn đề vốn. “Tuy nhiên, điều khiến tôi băn khoăn là liệu ngành chức năng có quản lý được việc tận thu cát của đơn vị thực hiện đúng như thiết kế, không lạm dụng không. Mặt khác, như đã phân tích trên, hiện sông đang bị thiếu cát, nay tiếp tục lấy cát thì chẳng khác nào tạo thêm sự thiếu hụt cát trong hệ thống sông” - ông Thiện băn khoăn.
Đề xuất chỉnh trị dòng sông Hậu Nhằm xử lý căn cơ sạt lở QL91, mới đây tỉnh An Giang đã có văn bản trình Thủ tướng cho phép tỉnh thực hiện xã hội hóa dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu, bảo vệ QL91. Theo đó, đơn vị thực hiện chỉnh trị chịu chi phí lập dự án và chi phí bồi thường đất bãi bồi. Trường hợp mức tính tiền cấp quyền khai thác cát tận thu lớn hơn chi phí lập dự án và bồi thường đất bãi bồi, đơn vị thực hiện phải nộp lại ngân sách phần chênh lệch. Liên quan vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Tình hình hiện nay để xử lý sạt lở một cách căn cơ, triệt để, sớm ổn định dân cư và hoàn trả lại mặt đường QL91 thì phải tiến hành nạo vét bờ đối diện để chỉnh trị dòng chảy. Khi Thủ tướng đồng ý chủ trương thì tỉnh mới thuê đơn vị tư vấn, khảo sát hố xoáy, lưu lượng nước, lên phương án nạo vét, đảm bảo thông luồng, an toàn cho QL91”. |