Sáng 29-10, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm lần hai vụ án liên quan đến việc cải tiến kỹ thuật khi làm đường Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, trước khi tòa xử, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng có công văn kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ QH, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ QH) và chánh án TAND Tối cao tiến hành giám sát, xem xét lại vụ án này.
Không thiệt hại, không thất thoát tài sản nhà nước
Theo Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, quá trình giải quyết vụ án này đã kéo dài 16 năm, qua nhiều lần thay đổi tội danh, đưa ra xét xử nhưng tòa án vẫn chưa thể đưa ra cáo buộc cuối cùng đối với hành vi của các bị cáo về một tội danh cụ thể. Đoàn ĐBQH cho rằng bản chất của vụ án này là xác định xem hành vi của các bị cáo có gây ra thiệt hại hay không.
Hồ sơ thể hiện Ban quản lý dự án (là đại diện chủ đầu tư dự án) khẳng định rằng không bị thiệt hại. Số tiền hơn 14 tỉ đồng đã thanh toán cho hạng mục nổ mìn phá đá gần đường dây 500 kV hiện vẫn chưa được quyết toán. Ban quản lý dự án không đưa ra bất cứ yêu cầu nào khác về trách nhiệm dân sự.
Bản án sơ thẩm lần hai (năm 2018) của TAND tỉnh Kon Tum căn cứ vào Văn bản số 396A (ngày 12-6-2008 của Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng) để cho rằng: Giá trị công trình đã thi công là hơn 10 tỉ đồng, số tiền Nhà nước đã tạm thanh toán hơn 14 tỉ đồng, số tiền Nhà nước bị thiệt hại là hơn 3,6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Văn bản số 396A này không đảm bảo tính pháp lý. Bởi tài liệu giám định là biên bản nghiệm thu lập sau gần 18 tháng kể từ ngày hạng mục nổ mìn phá đá kết thúc (ngày tổng nghiệm thu thực tế là 20-12-2002) không phản ánh đúng thực tế thi công, không đủ thành phần tham gia nghiệm thu, không có chữ ký của lãnh đạo, không đóng dấu, không phải là căn cứ để Ban quản lý dự án duyệt thanh toán.
Tháng 9-2009, VKSND Tối cao trả hồ sơ điều tra lại đã khẳng định hai bản kết luận giám định 08 ngày 6-1-2005 và 396A đều dựa vào biên bản nghiệm thu ngày 11-3-2004 để làm căn cứ giám định là không có căn cứ. Biên bản nghiệm thu ngày
11-3-2004 không phải là căn cứ Ban quản lý dự án duyệt thanh toán, không xác định rõ khối lượng bốc xếp vận chuyển, biên bản lập sau biên bản tổng nghiệm thu ngày 20-12-2002.
Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào kết luận giám định này không đảm bảo căn cứ để truy tố các bị cáo, không chứng minh được yếu tố thất thoát, gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, tính đến thời điểm hiện nay, công trình chưa quyết toán nên không có căn cứ để cho rằng Nhà nước bị thiệt hại.
Thực tế thì Công ty Thanh Nam đã ứng trước tiền để thi công nên mới là đơn vị chịu thiệt hại chính. Trong suốt quá trình thi công, Bộ GTVT, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Tổng Công ty 6, Công ty 621 không bỏ chi phí. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã không xác định được thiệt hại nào trong vụ án này.
Từ những phân tích nêu trên, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng nhận định các bị cáo kêu oan là có căn cứ. Từ đó Đoàn ĐBQH này kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ QH) và chánh án TAND Tối cao tiến hành giám sát và xem xét lại vụ án nêu trên để có kết luận theo thẩm quyền.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm lần hai ngày 29-10 (bị cáo - kỹ sư Bùi Hải Nhân bìa trái). Ảnh: NGÂN NGA
“Nhà nước không hẹp hòi với người góp công sức”
Trong một diễn biến khác, sáng 29-10, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm lần hai xét xử vụ án này. Ngay trong phần thủ tục, các luật sư tiếp tục đề nghị tòa triệu tập hai điều tra viên và các giám định viên để làm rõ một số vấn đề quan trọng trong vụ án.
Sau khi vào hội ý, chủ tọa thông báo phiên tòa vẫn được tiếp tục, nếu cần thiết phải có mặt họ thì tòa sẽ xem xét.
Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cũng lên tiếng Trước đó, ngày 20-8, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã có công văn gửi đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị tòa nghiên cứu toàn diện, khách quan các tình tiết của vụ án, đảm bảo xét xử đúng tính chất, mức độ của hành vi, không bỏ lọt hành vi vi phạm, không làm oan sai người vô tội. Còn tại buổi tiếp xúc với các bị cáo tại Đoàn ĐBQH TP.HCM vào tháng 4-2019, Ủy viên Ủy ban Tư pháp QH Trương Trọng Nghĩa cho biết: “Sau khi xem xét thông tin ban đầu, tôi thấy các cơ quan chức năng cần thận trọng nên sẽ có văn bản chuyển tới chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Cấp cao để các cơ quan này cần lưu ý khi đánh giá về vụ án”. |
Trong phần xét hỏi, bị cáo Bùi Hải Nhân khẳng định trong quá trình thi công, mục đích cuối cùng của việc cải tiến của bị cáo là bảo vệ đường dây 500 kV an toàn. Việc bị cáo làm lại hộ chiếu là để đối phó với cơ quan thanh tra về việc sử dụng vật liệu nổ chứ không nhằm mục đích để thanh toán hay trục lợi vì bị cáo không có chức năng thanh toán.
“Tôi biết chắc chắn phương án của tôi là an toàn, sở dĩ tôi không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để thay đổi phương án là vì biết khó được chấp nhận. Nhưng tôi là người được đào tạo bài bản, làm việc gì cũng đã cân nhắc rất kỹ” - bị cáo Nhân nói.
Đại diện VKSND Cấp cao tại tòa cũng cho rằng: “Một đoạn đường hơn 40 km mà các bị cáo thi công chỉ có hơn mười mấy tỉ thì không phải ai cũng làm được. Vấn đề ở đây là quy trình, kỷ luật lao động. Nhà nước không có hẹp hòi trong việc khen thưởng cho người có công sức đóng góp. Tuy nhiên, đây là công trình trọng điểm quốc gia, không phải là công trình bình thường. Nếu bị cáo cho rằng phương án nổ om của mình là an toàn thì lẽ ra bị cáo Nhân nên đề xuất với Bộ Giao thông, vừa tiết kiệm được kinh phí và sức lao động”.
Phiên tòa vẫn chưa kết thúc phần xét hỏi. Hôm nay, 30-10, tòa vẫn tiếp tục làm việc.
Nhiều lần đổi tội danh vẫn không ổn Như PLO đã thông tin, năm 2000, để đảm bảo an toàn đường dây 500 kV dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Xây dựng công trình khai thác đá 621 (đơn vị trực thuộc Tổng Công ty 6) đã ký hợp đồng để Công ty TNHH Thanh Nam thi công với phương án “nổ mìn đặc biệt”. Trong quá trình thực hiện, Công ty Thanh Nam và kỹ sư Bùi Hải Nhân (thuộc Công ty 621) đã cải tiến và gọi đó là “nổ om”. Năm 2002, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã chấp nhận thanh toán 80% khối lượng phê duyệt được đề nghị với số tiền hơn 14 tỉ đồng. Năm 2005, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) giám định công trình và xác định hạng mục nổ mìn phá đá chỉ tốn hơn 10 tỉ đồng. Cho rằng các bị cáo gây thiệt hại hơn 4 tỉ đồng nên kỹ sư Bùi Hải Nhân hết bị khởi tố tội tham ô tài sản rồi lại bị chuyển sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị bắt tạm giam hai năm. Tháng 4-2009, TAND tỉnh Kon Tum xử sơ thẩm lần đầu đã tuyên Bùi Hải Nhân và hai người thuộc Công ty Thanh Nam không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa này còn miễn hình phạt cho tám bị cáo còn lại về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Xử phúc thẩm vào tháng 7-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) đã tuyên hủy bản án sơ thẩm. Năm 2018, TAND tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm (lần hai) đã buộc tội các bị cáo gây thiệt hại hơn 3,6 tỉ đồng (bằng cách lấy số tiền được tạm ứng hơn 14 tỉ đồng trừ hơn 10 tỉ đồng theo giám định). Từ đó tòa phạt Bùi Hải Nhân 10 năm tù, chín bị cáo còn lại từ 12 tháng tù treo đến tám năm tù (về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng). Các bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan. Cạnh đó, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng kháng cáo cho rằng TAND tỉnh Kon Tum dùng văn bản chỉ mang tính chất tham khảo để tính toán thiệt hại là không có cơ sở. Ngoài ra, hạng mục nổ mìn phá đá này mới tạm thanh toán, chưa quyết toán, không để xảy ra thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước. Đây là vụ án mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh. Các chuyên gia pháp luật cho rằng hành vi của các bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Bởi lẽ các bị cáo dùng phương án “nổ om” đã rút ngắn thời gian thi công hơn một năm, công trình hoàn thành an toàn tuyệt đối. Và điều quan trọng nữa là công trình cũng mới chỉ tạm thanh toán cho nhà đầu tư chứ các bên chưa thanh lý hợp đồng nên không có cơ sở để nói các bị cáo chiếm đoạt tiền của Nhà nước hơn 3,6 tỉ đồng… |