Thay đổi tội danh nhiều lần vẫn không kết tội được

Sáng nay 29-10, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm lần hai vụ án liên quan đến việc cải tiến kỹ thuật khi làm đường Hồ Chí Minh.
Ngay trong phần thủ tục, các luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục đề nghị tòa triệu tập hai điều tra viên và các giám định viên để làm rõ một số vấn đề quan trọng trong vụ án.
Sau khi vào hội ý, chủ tọa thông báo phiên tòa vẫn được tiếp tục, nếu cần thiết phải có mặt của họ thì tòa sẽ xem xét. Hiện tòa đang tiến hành phần xét hỏi.

Thay đổi tội danh nhiều lần vẫn không kết tội được ảnh 1
Kỹ sư Bùi Hải Nhân từng được TAND tỉnh Kon Tum tuyên không phạm tội. Ảnh: NGÂN NGA

Như PLO đã thông tin, năm 2000, để đảm bảo an toàn đường dây 500 KV dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Xây dựng công trình khai thác đá 621 (đơn vị trực thuộc Tổng Công ty 6) đã ký hợp đồng để Công ty TNHH Thanh Nam thi công với phương án “nổ mìn đặc biệt”. Trong quá trình thực hiện, Công ty Thanh Nam và kỹ sư Bùi Hải Nhân (thuộc Công ty 621) đã cải tiến và gọi đó là “nổ om”.

Năm 2002, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã chấp nhận thanh toán 80% khối lượng phê duyệt được đề nghị với số tiền hơn 14 tỉ đồng. Năm 2005, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) giám định công trình và xác định hạng mục nổ mìn phá đá chỉ tốn hơn 10 tỉ đồng.

Cho rằng các bị cáo gây thiệt hại hơn 4 tỉ đồng nên kỹ sư Bùi Hải Nhân hết bị khởi tố tội tham ô tài sản rồi lại bị chuyển sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị bắt tạm giam hai năm.

Tháng 4-2009, TAND tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm lần đầu đã tuyên kỹ sư Bùi Hải Nhân và hai người thuộc Công ty Thanh Nam không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa này còn miễn hình phạt cho tám bị cáo còn lại về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó các bị cáo kháng cáo kêu oan.

Tháng 7-2009, xử phúc thẩm, TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) đã tuyên hủy bản án sơ thẩm.

HĐXX phúc thẩm lần hai của TADN Cấp cao tại Đà Nẵng. Ảnh: NGÂN NGA

Năm 2018, TAND tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm (lần hai) buộc tội các bị cáo gây thiệt hại hơn 3,6 tỉ đồng (bằng cách lấy số tiền được tạm ứng hơn 14 tỉ đồng trừ hơn 10 tỉ đồng theo giám định). Từ đó, tòa phạt kỹ sư Bùi Hải Nhân 10 năm tù, chín bị cáo còn lại từ 12 tháng tù treo đến tám năm tù (về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng). Các bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Cạnh đó, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng kháng cáo cho rằng TAND tỉnh Kon Tum dùng văn bản chỉ mang tính chất tham khảo để tính toán thiệt hại là không có cơ sở. Ngoài ra, hạng mục nổ mìn phá đá này mới tạm thanh toán, chưa quyết toán, không để xảy ra thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước.

Đây là vụ án mà PLO từng nhiều lần phản ánh. Các chuyên gia pháp luật cho rằng hành vi của các bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Bởi lẽ các bị cáo dùng phương án “nổ om”, đã rút ngắn thời gian thi công hơn một năm, công trình hoàn thành an toàn tuyệt đối. Và điều quan trọng nữa là công trình cũng mới chỉ tạm thanh toán cho nhà đầu tư chứ các bên chưa thanh lý hợp đồng nên không có cơ sở để nói các bị cáo chiếm đoạt tiền của Nhà nước hơn 3,6 tỉ đồng.

Các bị cáo nổ mìn phá đá nhưng giám định lại dùng phương án đào đất. Người giám định không phải là giám định viên nên kết luận giám định không có giá trị pháp lý. Nội dung này chính CQĐT Bộ Công an và VKSND Tối cao khi ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung và trưng cầu giám định lại đã thừa nhận. TAND tỉnh Kon Tum chỉ dựa vào văn bản của Viện Kinh tế xây dựng mang tính chất tham khảo (từng bị tòa phúc thẩm bác bỏ vì vi phạm pháp lệnh về giám định tư pháp năm 2004) là vi phạm tố tụng nghiêm trọng...


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm