LTS: Ngày 17-5-2017, khi ngỏ lời với cộng đồng doanh nhân trong hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giơ Chỉ thị 20 mà ông vừa ký và thông báo rằng: “Chỉ thị này quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm”.
Động thái đó của Thủ tướng đã làm nức lòng hơn 1.000 doanh nhân có mặt. Một năm đã qua, chỉ thị ấy đã mang lại gì cho doanh nghiệp?
Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ nông nghiệp An Đô, là một trong số rất ít các doanh nhân chịu lên tiếng với báo chí về việc thanh tra, kiểm tra (TTKT) đối với doanh nghiệp (DN).
“Tôi không rắn là mệt mỏi lắm”
Nhắc tới Chỉ thị 20 của Thủ tướng, bà Tú Anh nói đó là một món quà rất quý giúp DN có cơ sở để đối phó với các đợt kiểm tra tùy tiện. “Năm rồi, sau khi cấp sở đã kiểm tra, thanh tra quận lại đòi kiểm tra kho hàng. Tôi nói với họ các anh không có quyền kiểm tra nữa. DN tôi nằm trên địa bàn anh thật nhưng chúng tôi đang làm ăn đàng hoàng, không vi phạm gì. Ví dụ, tôi có hoạt động bất thường, anh có lệnh thì cứ kiểm tra. Còn theo quy định một năm tôi chỉ bị kiểm tra một lần thôi” - bà Tú Anh kể và cho hay sau đó bà không bị kiểm tra kho hàng nữa.
Vẫn theo lời bà Tú Anh, thực tế các lực lượng kiểm tra chỉ cần thấy DN đang dỡ hàng cũng có thể vào kiểm tra “nọ kia”. Có những cuộc điện thoại thông báo rằng sẽ đến kiểm tra. Khi DN thu xếp thời gian, cử người chờ đợi thì đoàn kiểm tra lại không xuống. Thật mừng là kể từ ngày 17-5-2017, Công ty An Đỗ mới chỉ được các cơ quan chức năng tại Hà Nội thanh tra một lần. Còn những cuộc “định kiểm tra” thì khá nhiều.
Tuy vậy, Công ty An Đỗ vẫn gặp không ít khó khăn với các địa phương khác. “Bất cứ tỉnh nào công ty có hàng hóa lưu thông, buôn bán thì hầu hết đều bị kiểm tra. Họ thấy nghi ngờ thì họ kiểm tra thôi nhưng tôi không ngại. Tôi không rắn, không nắm chắc quy định là gay go lắm. Dù vậy, cứ phải đối phó với TTKT hoài tôi cũng mệt mỏi lắm” - bà Tú Anh nói.
Trong kết quả khảo sát năm 2017, đáng chú ý có hai DN tại TP.HCM thì một DN bị thanh tra 10 lần, còn một DN khác bị thanh tra chín lần. Trong ảnh:Đoàn thanh tra Bộ Y tế và thanh tra liên ngành thành phố kiểm tra an toàn thực phẩm tại TP.HCM. Ảnh minh họa: TTXVN
Sai một chữ, bị tịch thu hàng
Bà Tú Anh kể mới đây công ty bà nhập khẩu bộ đệm dành cho ghế ô tô, đáp ứng đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chỉ có điều nhân viên của bà khi nhập khẩu lại ghi nhãn là “bộ đệm ghế trước ô tô, gồm…”. Trong khi nhẽ ra chỉ cần ghi là “bộ đệm ghế ô tô, gồm…”. Rất tinh, cơ quan kiểm tra phát hiện ra lô hàng thừa một chữ “trước”. Thế là lô hàng bị tịch thu dù đó không phải hàng buôn lậu. “Luật Hải quan cho phép DN khai sai được sửa đổi, bổ sung. Nhưng vụ này công ty tôi bị tịch thu hàng ngay” - bà Tú Anh kể.
Ngoài ra, DN cũng rất ngán ngại việc bị kiểm tra trên đường hàng hóa lưu thông. “Ví dụ, chức năng của CSGT là kiểm tra, kiểm soát an toàn giao thông thôi. Nhưng rồi mỗi khi dừng xe, các anh ấy hay dọa gọi cả quản lý thị trường, thanh tra nọ kia đến” - bà Tú Anh nói.
Theo bà Tú Anh, nếu xe không chở quá tải thì lẽ ra CSGT chỉ kiểm tra tờ khai, đếm sơ bộ hàng hóa rồi cho xe lưu thông tiếp. Nhưng không, nhiều trường hợp CSGT bắt đưa xe về đội nằm đó một ngày, đòi giám đốc đến gặp trực tiếp. “Tôi từng từ chối gặp và nói rằng công ty tôi nhập khẩu hàng hóa, tài xế đã cung cấp đầy đủ tờ khai, hóa đơn, giấy tờ. Các anh cứ kiểm tra rồi cho xe đi” - bà Tú Anh kể.
Bức xúc cũng chỉ biết “cắn răng”
Một doanh nhân xin giấu tên chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: “Nói chung là buồn, anh ạ! Cái cảm giác suốt ngày tiếp các đoàn TTKT thật là khó chịu!”. Đơn giản bởi vì theo doanh nhân này, khi các đoàn kiểm tra, thanh tra đến thì việc chính không phải hướng dẫn tuân thủ pháp luật mà là… chuyện khác. “Ít thì vài triệu, nhiều thì vài chục triệu đồng” - doanh nhân này nói.
Báo cáo PCI 2017 phát hành tháng 3-2018 cho biết tỉ lệ DN bị TTKT quá mức (những DN phải tiếp từ tám đoàn TTKT trở lên mỗi năm) đã giảm từ 4,6% xuống còn 3,4% trên tổng số gần 11.000 DN được điều tra. Giai đoạn 2012-2016 đã có sự gia tăng liên tục về số thời gian mà DN phải dành cho các hoạt động tuân thủ thủ tục hành chính. Năm 2017, lần đầu tiên trong suốt nửa thập niên qua, lĩnh vực này được ghi nhận có cải thiện. Càng lớn càng hay bị thanh tra Các quy định không phù hợp thực tiễn, quá khắt khe đang tạo ra tình trạng lưỡng nan cho nhà kinh doanh. Nếu tuân thủ đúng thì không thể cạnh tranh và tồn tại được vì sự vi phạm quá phổ biến, thậm chí là công khai. Nếu không tuân thủ thì nguy cơ vi phạm pháp luật luôn lơ lửng trên đầu, họ như là con tin của nhiều công chức “nhiều quyền thiếu tâm”. Một nguy cơ nữa với nhà kinh doanh trong “hàng rừng các quy định” là DN càng nổi, càng thành công thì càng rủi ro. Ba cuộc điều tra quy mô lớn của VCCI tiến hành năm 2015 trên cả nước vừa rồi vẫn tiếp tục cho thấy thực trạng không thay đổi: Các DN lớn bị TTKT nhiều hơn, chịu gánh nặng hành chính lớn hơn so với các DN nhỏ. Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng ban Pháp chế VCCI |
Doanh nhân này không phải không biết Chỉ thị 20 của Thủ tướng. Nhưng theo ông, có lẽ do Thủ tướng yêu cầu chỉ được TTKT DN một năm một lần nhưng lại không nói rõ cơ quan nào có quyền được kiểm tra. Do vậy, có vẻ như các sở, ban, ngành đều nghĩ mình có quyền kiểm tra DN một năm một lần.
“Vậy là tổng cộng có gần 20 bộ phận vào cuộc TTKT DN. Tôi hỏi vì sao thì họ nói không tin kết quả kiểm tra của các đơn vị khác. Có những đoàn khi vào nói thẳng luôn các vấn đề này nọ. Đến nỗi sau này khi thấy số điện thoại của các lực lượng đó, tôi chỉ cần hỏi một câu “Bao nhiêu?”” - vị này ngao ngán.
Một doanh nhân khác lại cho hay cứ mỗi lần vào TTKT là các đoàn bắt phôtô đủ thứ, có cả những giấy tờ chẳng liên quan gì đến nội dung kiểm tra. “Những tháng đầu năm chúng tôi phải tiếp gần 10 đoàn. Giả sử họ giúp cho sản phẩm tốt hơn, có ích cho người tiêu dùng hơn thì tốt quá, DN cũng vui. Nhưng đằng này…” - vị này nói.
Có quá nhiều câu chuyện, quá nhiều nỗi bức xúc nhưng hai vị doanh nhân kể trên đều cẩn thận dặn dò: “Tôi chia sẻ với anh vậy thôi, nếu có viết gì thì giấu tên tôi đi nhé. Mà tốt nhất là đừng viết gì cả, vì mỗi lần viết là mỗi lần chúng tôi bị… bầm dập”.
Lại có một DN cho hay sau khi họ lên tiếng vì tình trạng bị TTKT quá nhiều, cấp tỉnh yêu cầu Sở Công Thương báo cáo. Tuy nhiên, trong báo cáo này Sở Công Thương cho rằng việc TTKT như vậy là quá ít và cần phải… tăng cường!
“Méc” Chính phủ cũng không dám nêu tên doanh nghiệp Trung tuần tháng 5-2018, một hội nghị về đầu tư vào nông nghiệp được tổ chức theo diện hẹp. Các DN tham dự đều phát biểu rất hăng say về nỗi khổ bị TTKT liên tục. Nhưng sau đó khi chúng tôi liên hệ một số DN để lắng nghe những tâm tư của họ thì đều nhận được câu trả lời “Thôi, không nói gì nữa đâu, tha cho chúng tôi…”. Trao đổi về tình trạng này, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay dù tình trạng TTKT tràn lan, không đúng tinh thần Chỉ thị 20 của Thủ tướng nhưng các DN cũng không dám kêu vì sợ bị hành tiếp. Cuối tháng 12-2017, tổng thư ký VASEP đã gửi công văn cho Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ để phản ánh tình trạng này. Khảo sát của VASEP cho thấy số lượt TTKT của các cơ quan quản lý nhà nước tại DN trong năm 2017 vẫn còn cao. “Nhiều DN phải tiếp tới 6-7 đoàn TTKT, thậm chí có đến hai lượt TTKT trong cùng một lĩnh vực” - VASEP cho biết. Trong kết quả khảo sát năm 2017, đáng chú ý có hai DN tại TP.HCM thì một DN bị thanh tra 10 lần, còn một DN khác bị thanh tra ít hơn, chỉ… chín lần. Tiếp theo là một DN tại Bạc Liêu bị thanh tra tám lần. Theo VASEP, hoạt động TTKT cần phải thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 20 của Thủ tướng, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Dù vậy, VASEP cũng chỉ dám “trân trọng báo cáo và kính đề nghị Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính quan tâm, báo cáo Thủ tướng để có các giải pháp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc”. Ngay trong phần báo cáo kết quả, VASEP cũng mã hóa tên các DN chứ không nêu tên chi tiết. Điều này có lẽ cũng là tâm lý chung của các DN khi phản ánh về tình trạng này. |
___________________________
Số sau: Phải sửa từ gốc, doanh nghiệp mới hết khổ vì thanh tra, kiểm tra