Doanh nghiệp siết phòng dịch vì lo đình trệ sản xuất

Những ngày qua, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bùng phát dịch COVID-19 tại một số doanh nghiệp (DN) khiến việc sản xuất của DN, đời sống công nhân ở các địa phương này bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, Bình Dương, nơi tập trung hàng triệu người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, cơ quan chức năng và bản thân các DN siết việc phòng chống dịch vì lo ngại khi xảy ra tình huống xấu sẽ ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất.

Yêu cầu công nhân khai báo y tế trung thực

“Các DN rất lo lắng cho đời sống, sức khỏe của đội ngũ công nhân trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay nên bất kỳ ai đến nhà máy đều phải khai báo y tế nghiêm ngặt”. Ngày 26-5, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các DN trên địa bàn tỉnh này như trên.

Các lao động tuân thủ các quy định về phòng chống dịch để duy trì mạch
sản xuất. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Theo bà Loan, tỉnh có 41 khu công nghiệp và cụm công nghiệp với 1,2 triệu lao động. Ngay từ đầu năm 2020, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành các văn bản và bám sát các khu, cụm công nghiệp, phối hợp với các DN triển khai thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh đã ban hành các biểu mẫu để áp dụng phương án phòng chống phù hợp theo đặc thù từng khu vực, ngành nghề sản xuất.

Qua kiểm tra, hầu hết các DN chủ động phòng chống dịch COVID-19 vì lo ngại ảnh hưởng đến mạch sản xuất, tiến độ giao hàng, lương cho công nhân... Các DN xây dựng các khu y tế và nhanh chóng kiểm tra sức khỏe, cách ly ban đầu đối với công nhân có triệu chứng sốt, ho để phòng ngừa các tình huống xấu.

“DN rất chủ động phòng ngừa COVID-19, đặt ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt vì họ lo lắng cho đời sống, sức khỏe của người lao động và của chính bản thân DN” - bà Loan nói.

15 hạng mục doanh nghiệp tự đánh giá phòng chống dịch COVID-19

Số lượng người lao động làm việc tập trung của cơ sở sản xuất, kinh doanh; mật độ người lao động ở các phân xưởng tính bằng số diện tích làm việc cho một lao động; nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ người lao động; thông khí nhà xưởng; tỉ lệ người lao động được quan sát thấy có kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phân xưởng; điều kiện vệ sinh cá nhân cho người lao động; sử dụng khẩu trang tại nơi làm việc; hoạt động của các khu dịch vụ không thiết yếu tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; bố trí dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn tại các vị trí có tiếp xúc chung; tổ chức bữa ăn ca cho người lao động; tổ chức đưa đón người lao động; các trang thiết bị hỗ trợ phòng chống dịch trên phương tiện đưa đón người lao động; phương án ứng phó, phòng chống dịch; vệ sinh, khử khuẩn môi trường tại nơi làm việc/ký túc xá. 

Không tự đánh giá sẽ đóng cửa để khắc phục

Tương tự, tại TP.HCM, Ban quản lý (BQL) các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (gọi tắt là BQL) đã triển khai đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở lao động.

BQL yêu cầu các công ty phát triển hạ tầng, các DN hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp thực hiện tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại nơi làm việc, khu lưu trú công nhân. “Tuy nhiên, đến nay còn nhiều DN chưa thực hiện yêu cầu nêu trên” - một lãnh đạo BQL thông tin.

BQL đã yêu cầu các DN gửi báo cáo hạn chót ngày 30-5 và định kỳ ngày 20 hằng tháng, DN gửi kết quả về BQL.

Theo ghi nhận, bản tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh gồm 15 mục, xếp theo thang điểm 300, trong đó thang điểm cao nhất 50 điểm là phương án ứng phó, phòng chống dịch bệnh.

Đại diện BQL cho biết hiện công tác phòng chống dịch bệnh được kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo mạch sản xuất của DN và sức khỏe của công nhân. “Các DN không gửi báo cáo xem như không đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc và BQL sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu DN tạm thời đóng cửa để khắc phục” - đại diện BQL nói.

Với các DN đã được các đoàn kiểm tra nhắc nhở vì chưa đảm bảo khoảng cách trong quy trình sản xuất, tổ chức phương tiện đưa đón, khu vực vệ sinh, nhà ăn, nơi cách ly tạm thời... phải khắc phục gấp.

Một số doanh nghiệp ở Bắc Ninh sẽ hoạt động trở lại từ 27-5

Ngày 26-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các bộ, cơ quan, các lực lượng chống dịch COVID-19 tại hai địa phương này.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết tính đến tối 25-5, số ca F0 tại Bắc Giang là 1.399. Tất cả số này đều trong các khu cách ly tập trung và nằm trong kịch bản mà tổ công tác của Bộ Y tế đã dự báo trước. Vấn đề hiện nay là dập dịch trong các khu công nghiệp, chống lây ra cộng đồng, cùng với đó và việc chăm lo đời sống cho hơn 60.000 công nhân từ các tỉnh, thành được giữ lại để ngăn dịch lây lan rộng.

Cũng theo ông Dương, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch từng bước khởi động lại các khu công nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, chọn tám DN làm thí điểm. Ngay trong hôm nay (27-5), sẽ có những DN đầu tiên hoạt động trở lại...

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Bắc Ninh, Bắc Giang rất nỗ lực, quyết liệt, trách nhiệm trong hoàn cảnh lần đầu tiên chống dịch trong các KCN quy mô lớn, hiện đại.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang chuẩn bị hướng dẫn công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh, xem xét phương án giảm mật độ tại những nơi tập trung đông công nhân, làm sạch các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, khôi phục hoạt động của các DN, không để đứt gãy chuỗi sản xuất. 

Đ.MINH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới