Sáng 26-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các bộ, cơ quan, các lực lượng chống dịch COVID-19 tại hai địa phương này.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP
Phân bổ cho Bắc Giang, Bắc Ninh mỗi tỉnh 150 nghìn liều vaccine
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết tính đến tối 25-5, số ca F0 tại Bắc Giang là 1.399. Tất cả số này đều trong các khu cách ly tập trung và nằm trong kịch bản mà Tổ công tác của Bộ Y tế đã dự báo trước.
Bài toán đặt ra hiện nay là dập dịch trong các khu công nghiệp (KCN), chống lây ra cộng đồng. Cùng với đó và việc chăm lo đời sống cho hơn 60.000 công nhân từ các tỉnh, thành phố khác được giữ lại để ngăn không cho dịch lây lan rộng.
Một thách thức khác là việc tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều đang vào mùa thu hoạch với 180.000 tấn. Tỉnh đã có bộ tiêu chí an toàn COVID-19 cho người tham gia vào chuỗi sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ vải thiều. Bắc Giang kiến nghị việc thiết lập “luồng xanh” để lưu thông mặt hàng này qua các địa phương.
Cũng theo ông Dương, Bắc Giang cũng xây dựng kế hoạch từng bước khởi động lại các KCN trong bối cảnh dịch bệnh, chọn 8 doanh nghiệp làm thí điểm. Ngay trong ngày mai (27-5), sẽ có những doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trở lại.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan khẳng định các biện pháp chống dịch đã được tỉnh này triển khai ngay từ khi chưa xuất hiện các ca trong KCN.
Công tác phòng chống dịch của Bắc Ninh đang tập trung vào 4 mũi trọng yếu: Tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành (nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên ngày 5-5); các khu công nghiệp; các khu cách ly, cơ sở y tế; khoảng 30.000 người Bắc Giang làm việc tại Bắc Ninh và khoảng 3.600 người Bắc Ninh làm việc tại Bắc Giang.
Đến nay, tỉnh đã lập 6.700 tổ COVID cộng đồng và 7.000 tổ an toàn COVID trong doanh nghiệp. Tỉnh cũng đang thực hiện mô hình người lao động sau khi được xét nghiệm đầy đủ sẽ được bố trí ở tại doanh nghiệp hoặc ký túc xá riêng biệt, vừa bảo đảm chống dịch, vừa duy trì sản xuất. Ngoài tập trung chống dịch tại KCN, Bắc Ninh còn chú ý công tác chống dịch tại nơi công nhân lưu trú.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng Bắc Giang phải dập dịch nhanh trong các KCN, đặc biệt là các khu công nhân, để đưa trở lại hoạt động bình thường. Trong khi đó, Bắc Ninh phải dập dịch bằng được trong cộng đồng, bảo vệ cộng đồng sạch để ngăn việc lây nhiễm từ cộng đồng vào các KCN.
Ông Long đề nghị tăng cường lực lượng giám sát kiểm tra, lắp đặt camera và xử lý các vi phạm về cách ly y tế. Bộ trưởng nhất trí phương thức xét nghiệm nhanh của hai địa phương và khẳng định Bộ sẽ tích cực hỗ trợ về việc này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ phân bổ mỗi tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh 150.000 liều vaccine và sẽ hỗ trợ để hoàn thành tiêm chủng trong vòng một đến hai tuần.
Hướng dẫn công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Bắc Ninh, Bắc Giang rất nỗ lực, quyết liệt, trách nhiệm trong hoàn cảnh lần đầu tiên chống dịch trong các KCN quy mô lớn, hiện đại. Trước đó, chúng ta mới chỉ có kinh nghiệm chống dịch trong cộng đồng. Hai tỉnh đã phối hợp chống dịch rất tốt, mạnh dạn đưa vào những cách làm mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang chuẩn bị hướng dẫn công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh, dưới sự giám sát, hỗ trợ của nhân viên y tế. Với các xã có mật độ công nhân cư trú rất cao, địa phương sử dụng các khu ký túc xá công nhân giao cho quân đội, doanh nghiệp quản lý.
Bắc Giang xem xét phương án giảm mật độ tại những nơi tập trung đông công nhân bằng cách di chuyển những công nhân đã được xét nghiệm, nguy cơ lây nhiễm thấp sang những khu vực khác và tiếp tục kiểm soát, cách ly chặt chẽ.
Phó Thủ tướng đề nghị phải lo đủ vật tư, thiết bị phòng chống dịch, điều trị, đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm nhanh, để nhanh chóng làm sạch các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Ông cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo điều phối chung về điều trị, phân luồng, phân tuyến bệnh nhân, không phân biệt địa bàn hành chính.