Doanh nghiệp xin trả 5 biệt thự cổ ở Nha Trang

(PLO)- Doanh nghiệp muốn trả lại năm biệt thự cổ ở dinh Bảo Đại, TP Nha Trang cho tỉnh Khánh Hòa sau đó làm thủ tục thuê lại với thời hạn 50 năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại, xác nhận Công ty CP Đầu tư Khánh Hà đang làm thủ tục trả lại năm biệt thự cổ tại dự án.

Chuyển đổi hình thức sở hữu rồi thuê lại

Theo ông Kiên, Công ty CP Đầu tư Khánh Hà đã thống nhất phương án chuyển đổi hình thức sở hữu năm căn biệt thự trong khu dinh Bảo Đại cho UBND tỉnh Khánh Hòa để bảo đảm thuộc toàn quyền sở hữu nhà nước (là tỉnh Khánh Hòa) và để cụm công trình này được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. “Do tỉnh đòi trả lại nên chúng tôi đang làm việc để hoàn tất thủ tục hoàn trả” - ông Kiên nói.

Một căn biệt thự bị biến thành văn phòng công ty thời điểm năm 2019. Ảnh: XH

Một căn biệt thự bị biến thành văn phòng công ty thời điểm năm 2019. Ảnh: XH

Theo hồ sơ, đầu năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận dự án nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại tại núi Cảnh Long, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang cho Công ty CP Đầu tư Khánh Hà. Đây là liên doanh giữa Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) và Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Hà Nội).

Tháng 12-2014, tỉnh Khánh Hòa có quyết định giao gần 9 ha đất và 4,7 ha mặt nước biển cho Công ty CP Đầu tư Khánh Hà để thực hiện dự án trên theo hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần và Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn 50 năm.

Khatoco góp vốn bằng quyền sử dụng đất với giá trị được xác định chiếm 29% trong tổng mức đầu tư 475 tỉ đồng của dự án. Trong đó, bao gồm cả năm ngôi biệt thự cổ gồm Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng.

Theo kế hoạch, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại sẽ cải tạo năm biệt thự hiện hữu; xây mới khách sạn năm tầng, 45 căn biệt thự nghỉ dưỡng cùng các tiện ích khác.

Ông Nguyễn Trung Kiên cho biết phương thức chuyển giao quyền sở hữu sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Giá trị năm căn biệt thự hiện hữu khi trả lại cho tỉnh Khánh Hòa là gần 4 tỉ đồng. Giá trị này sẽ được hạch toán vào chi phí sản xuất của công ty sau khi chuyển giao.

Toàn cảnh lầu Bảo Đại trên núi Cảnh Long. Ảnh: HH

Toàn cảnh lầu Bảo Đại trên núi Cảnh Long. Ảnh: HH

Cũng theo ông Kiên, sau khi hoàn tất các thủ tục trả, Công ty CP Đầu tư Khánh Hà sẽ thực hiện thủ tục đề nghị thuê lại năm căn biệt thự trên với thời hạn 50 năm. Ông Kiên cho rằng việc thuê lại để đồng bộ, tránh phá vỡ kiến trúc và xảy ra xung đột lợi ích. Ông Kiên cũng cho biết nếu được chấp thuận cho thuê, công ty sẽ tôn tạo lại các biệt thự cho người dân tham quan.

Xây dựng phương án tôn tạo, đánh giá xếp hạng di tích

Theo ghi nhận của PV, hiện dự án đang tạm dừng thi công. Một số công trình xây dựng trong dự án bỏ hoang nhiều năm. Năm căn biệt thự cổ đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Tháng 5-2018, báo Pháp Luật TP.HCM đã có phản ánh về việc di tích lầu Bảo Đại bị phá nát “ruột”. Theo đó, phần lớn kiến trúc bên trong năm biệt thự cổ được xây dựng đúng 100 năm trước đã bị cải tạo rất nhiều.

Năm căn biệt thự sau khi bị giao cho hết cơ quan này đến doanh nghiệp khác quản lý, sử dụng đã bị biến thành nơi ăn nghỉ, khai thác kinh doanh. Những cổ vật tại đây cũng bị biến mất.

Sau khi Công ty CP Đầu tư Khánh Hà thuê lầu Bảo Đại để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại đẳng cấp năm sao, chủ đầu tư đã có nhiều vi phạm và bị Thanh tra Sở Xây dựng xử hành chính, đình chỉ thi công cho đến nay.

Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết UBND tỉnh có chủ trương giao sở xây dựng phương án, tiếp nhận, quản lý và khai thác năm căn biệt thự cổ. Các biệt thự này thường được gọi là biệt thự Cầu Đá.

“Sở đang phối hợp với các sở, ngành làm thủ tục tiếp nhận vì có liên quan đến điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh tài sản” - ông Thiện cho hay.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa thừa nhận các biệt thự cổ này đã xuống cấp và sở sẽ lên kế hoạch khảo sát, đánh giá hiện trạng để tôn tạo lại. Theo ông Thiện, việc này phải được làm rất cẩn thận, kỹ và chặt chẽ.

Ông Nguyễn Văn Thiện cũng cho biết di tích dinh Bảo Đại chưa được xếp hạng nên sở sẽ làm việc với các cơ quan chuyên môn của bộ, tiến hành các thủ tục đánh giá xếp hạng.

Cụm công trình kiến trúc độc đáo của thế kỷ trước

Năm biệt thự trên núi Cảnh Long do người Pháp xây dựng từ năm 1923 với mục đích ban đầu làm nơi ở cho các kỹ sư, nhân viên người nước ngoài của Viện Nghiên cứu biển (nay là Viện Hải dương học Nha Trang).

Cụm biệt thự này nằm trong khuôn viên rộng 12 ha, được đặt theo tên các loài hoa nhiệt đới như Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ, Cây Bàng.

Giai đoạn 1940-1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình thường xuyên đến đây nghỉ dưỡng, giải trí.

Tháng 10-1995, UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”. Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa, đây là cụm công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của những năm đầu thế kỷ 20, phản ánh một giai đoạn lịch sử phát triển của Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm