Hiệp hội Báo chí và Xuất bản thế giới (WAN - IFRA) vừa công bố báo cáo thường niên mang tên Xu hướng Báo chí Thế giới, trong đó cho biết lượng người đọc trên toàn cầu nhìn chung vẫn tăng nhưng doanh thu từ báo điện tử tiếp tục nới rộng khoảng cách và thách thức chuyện kinh doanh cũng như sứ mệnh phục vụ của báo giấy. Báo cáo này sử dụng số liệu khảo sát từ hơn 70 quốc gia, nơi đang chiếm hơn 90% thị phần báo chí toàn cầu và thông tin từ các hiệp hội, các hãng nghiên cứu.
"Vai trò của báo chí trong xã hội không thể coi nhẹ và chưa bao giờ quan trọng như ngày nay. Nhưng nếu các đơn vị kinh doanh báo chí không có đủ nguồn thu từ kênh online, không có những lựa chọn hấp dẫn và liên tục đổi mới cho cả độc giả và nhà quảng cáo, họ sẽ chìm nghỉm trong vô vàn đối thủ khác. Tìm được một mô hình kinh doanh bền vững trong mảng điện tử không chỉ quan trọng với chính các tờ báo mà cho cả công cuộc đấu tranh vì một xã hội dân chủ trong tương lai", Larry Kilman, Tổng thư ký WAN-IFRA phát biểu tại hội nghị Hội nghị Báo chí Thế giới lần thứ 66 diễn ra ở Turin, Italy vừa qua, với sự tham gia của đại diện 1.000 hãng tin, các tổng biên tập và lãnh đạo cấp cao của nhiều tòa soạn trên thế giới.
Infographic tình hình phát triển báo chí thế giới
|
Theo báo cáo của WAN-IFRA, lượng phát hành báo in tăng 2% trong năm 2013 nhưng giảm 2% nếu so với 5 năm trước. Khoảng 2,5 tỷ người đọc báo in trên toàn cầu và khoảng 800 triệu độc giả truy cập các kênh điện tử.
Lượng phát hành báo in nhích lên chủ yếu ở các nước có tầng lớp trung lưu đang tăng và tỷ lệ tiếp cận Internet băng thông rộng thấp. Trong khi đó, tại các nền kinh tế phát triển, người đọc lại dần chuyển trọng tâm từ báo in sang báo điện tử. (Xem chi tiết tại đây)
Trên toàn cầu, 93% doanh thu ngành báo chí đến từ báo in. Tổng doanh thu ngành năm ngoái (cả xuất bản và quảng cáo) đạt 163 tỷ USD, giảm đáng kể so với con số 187 tỷ USD của năm 2008.
Tính riêng doanh thu quảng cáo, báo in giảm 6% năm ngoái và giảm 13% trong 5 năm qua. Trong khi đó, doanh thu quảng cáo báo điện tử lại tăng 11% so với năm ngoái và 47% so với 5 năm trước.
Hãng nghiên cứu Pew Research nhận định báo chí là ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nhất của kỷ nguyên kỹ thuật số. Khi người đọc dần chuyển sang các nội dung trực tuyến, và phương tiện truy cập không giới hạn ở máy tính cá nhân, mà còn trên các thiết bị như máy tính bảng hay điện thoại di động, ngành này đã phải thay đổi mạnh mẽ những năm qua.
Nhiều tờ báo đình đám thế giới phải mở thêm bản điện tử để bắt kịp sự thay đổi hành vi của người đọc, như New York Times, Wall Street Journal hay USA Today. Thậm chí vì thua lỗ, một số còn chuyển hẳn sang trực tuyến, như Newsweek năm 2012. Nếu chậm chân, có lẽ họ sẽ rơi vào tình cảnh như Reader’s Digest. Đầu năm ngoái, RDA Holdings - nhà xuất bản của tạp chí 91 năm tuổi đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ lên tới 465 triệu USD.
Báo chí thế giới đang ngày càng thu hút nhiều người đọc. Ảnh:Bayelsa |
Sự ra đời của các thiết bị di động như smartphone hay máy tính bảng cũng tác động không nhỏ đến ngành báo chí. Mục tiêu của các tờ báo từ trước đến nay là kết nối người đọc và chia sẻ thông tin. Nhưng ngày nay, công việc đó đã thuộc về thiết bị di động và mạng xã hội. Theo số liệu năm ngoái của hãng nghiên cứu Statista năm ngoái, thời gian tiếp cận với thông tin qua báo và tạp chí của người Mỹ hiện chỉ chiếm 4,6% một ngày, trong khi 20% họ dành cho thiết bị di động.
Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA) cho biết ngày càng nhiều tờ báo đặt chiến lược di động làm ưu tiên hàng đầu. Họ ra mắt ứng dụng đọc báo trên điện thoại và máy tính bảng. New York Times có NYT Now, còn Washington Post gần đây trình làng Topicly. Các tờ báo cũng cập nhật thường xuyên nội dung trên website, ứng dụng và tương tác với người đọc qua mạng xã hội, như Facebook hay Twitter.
Một bước cải tiến lớn của ngành báo chí hiện nay là số lượng nội dung trả phí, để bổ sung nguồn thu bên cạnh tiền quảng cáo. Tại Mỹ, khoảng 450 nhật báo đã áp dụng chính sách này. Theo báo cáo của WAN-IFRA, lượng bài báo trực tuyến phải trả tiền đã tăng gấp rưỡi năm ngoái và hơn 20 lần trong 5 năm qua. "Dù có rất nhiều bài báo miễn phí, độc giả lại ngày càng sẵn sàng trả tiền cho các nội dung kỹ thuật số được viết chuyên nghiệp, độc lập và hấp dẫn", ông Kilman cho biết.
New York Times (NYT) là một trong những tờ báo uy tín hàng đầu thế giới duy trì song song cả bản giấy và online. Trong quý I, số thuê bao trực tuyến của NYT tăng gần 40.000 lên gần 800.000 người, mang về doanh thu 40 triệu USD. CEO NYT – ông Mark Thompson cho rằng sức tăng này chủ yếu nhờ ứng dụng đọc báo di động mới ra mắt – NYT Now và dịch vụ thuê bao cao cấp – Times Premier.
Doanh thu 3 tháng đầu năm của NYT cũng tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 390 triệu USD. Bên cạnh đó, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, cả doanh thu quảng cáo báo in và báo điện tử của NYT đều nhích lên (3,7% và 2,2%).
Tuy nhiên, không phải tờ báo nào cũng đạt kết quả tốt như NYT. Doanh thu quý I của Tập đoàn truyền thông News Corp đã giảm 5%. Tiền quảng cáo giảm 10%, còn doanh thu từ xuất bản và thuê bao trực tuyến mất 5%.
Dù vậy CEO News Corp - Robert Thomson mới đây vẫn tuyên bố gắn bó với ngành báo "hàng chục năm nữa". Ông cho biết "báo in sẽ vẫn tiếp tục phát triển cùng với báo điện tử". News Corp là tập đoàn của ông trùm truyền thông - Rupert Murdoch, sở hữu hơn 100 tờ báo lớn nhỏ trên thế giới. Nổi tiếng nhất là Wall Street Journal, Market Watch, New York Post (Mỹ) và The Times (Anh).
Theo Hà Thu (VNE)