Dốc hết sức ngày đêm làm khẩu trang phòng dịch Corona

Do ảnh hưởng của bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (dịch Corona) gây ra, mặt hàng khẩu trang được người dân đặc biệt quan tâm và săn lùng. Dù bị đẩy giá lên cao gấp nhiều lần nhưng khẩu trang vẫn luôn trong tình trạng cháy hàng.

Dân vẫn chật vật tìm nơi mua khẩu trang

Hiện nay người dân tại TP.HCM, Hà Nội vẫn đang chật vật tìm nơi bán khẩu trang y tế cũng như các sản phẩm diệt khuẩn như nước rửa tay, nước muối sinh lý súc miệng… Chị Kim Phượng (quận 3, TP.HCM) cho hay chị đã đi gần bảy cửa hàng, tiệm thuốc, siêu thị được cho là bình ổn giá như Pharmacity, Long Châu, Siêu thị Coopmart, Bách Hóa Xanh… nhưng đều nhận được những cái lắc đầu của nhân viên vì hết hàng hoặc chỉ mua được rất ít.

“Tôi đọc thông tin được biết hệ thống nhà thuốc Pharmacity, Long Châu nhập hàng về rất nhiều nhưng khi đi mua luôn khan hiếm. Dọc đường Hai Bà Trưng, tôi hỏi tám hiệu thuốc thì hết bốn hiệu dán bảng không có khẩu trang, nước rửa tay, cồn 90 độ; bốn cửa hàng còn lại thì lắc đầu bảo mai mốt quay lại mới có hàng” - chị Phượng thông tin.

Thực tế cho thấy rất nhiều tiệm thuốc Tây đều đề biển hết hàng hoặc không bán các sản phẩm nói trên. Nhân viên ở nhiều tiệm thuốc trên đường Tô Hiến Thành xác nhận khan hiếm các loại khẩu trang, nước rửa tay nên giá tăng chóng mặt. Đơn cử loại khẩu trang bốn lớp hộp 50 cái loại dùng một lần đã tăng lên mức 160.000-200.000 đồng/hộp; khẩu trang Hàn Quốc loại 9010V từ 50.000 đồng đã tăng lên 100.000 đồng một cái. 

Riêng tại một số cửa hàng ở đường Nguyễn Giản Thanh, quận 10, nơi được xem là chợ sỉ thuốc Tây lớn nhất TP.HCM, giá khẩu trang được niêm yết và bán bình ổn với giá dao động 15.000-36.000 đồng/hộp tùy loại. Tuy nhiên, ở các điểm này diễn ra tình trạng chen chúc và phải chờ rất lâu mới mua được khẩu trang y tế.

Khảo sát tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại cũng cho thấy không đủ khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn… để cung cấp cho khách hàng.

Các doanh nghiệp đang tăng công suất sản xuất khẩu trang. Trong ảnh: Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang sản xuất khẩu trang. Ảnh: TL

Tăng cường sản xuất khẩu trang vải

Tại cuộc họp khẩn do Bộ Công Thương tổ chức chiều 6-2, Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định số lượng cung ứng khẩu trang được làm từ vải dệt kim kháng khuẩn và vải kháng khuẩn không dệt ra thị trường đang tăng dần.

“Hiện tại, năng lực cung ứng của chúng tôi là 40.00-60.000 chiếc/ngày; ngày 10-2 dự kiến là 200.000 chiếc/ngày và từ ngày 14-2 năng lực cung ứng đạt khoảng 400.000-500.000 chiếc khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn/ngày; vải không dệt kháng khuẩn đạt 10-15 tấn/ngày, tương đương 3-4 triệu khẩu trang dùng một lần/ngày” - đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam thông tin.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết từ trước đến nay, hầu hết các doanh nghiệp không sản xuất khẩu trang. Nhưng trước diễn biến của dịch bệnh, một số đơn vị đã chủ động may khẩu trang vải để phục vụ công nhân viên trong nội bộ công ty hoặc để phát miễn phí cho cộng đồng, chưa sản xuất để cung cấp khẩu trang ra ngoài thị trường. Trong trường hợp cần thiết, các doanh nghiệp sẵn sàng chung tay để cung ứng nhanh nhất khẩu trang vải cho cộng đồng.

Bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Babu (Hà Nội), cho biết từ trước đến nay công ty chuyên sản xuất quần áo trẻ em, từ ngày có dịch Corona thì gần như 100% toàn lực chuyển sang sản xuất khẩu trang vải bằng vải tre, có đặc tính kháng khuẩn, mềm mại.

“Chúng tôi đã nhập vải từ trong tết nên trong hai, ba tháng tới công ty vẫn đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Hiện tại, mỗi ngày công ty cung ứng ra thị trường khoảng 15.000-20.000 sản phẩm” - bà Hương thông tin.

Trước lo ngại về việc sản xuất ồ ạt mặt hàng khẩu trang như vậy thì chất lượng khẩu trang có đảm bảo hay không, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế, nhấn mạnh: “Khi đã đưa sản phẩm thành hàng hóa thì các đơn vị phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình”.

Khó nhất là nguyên liệu vừa thiếu vừa đắt

Các đơn vị sản xuất trong nước đều lo ngại về nguồn cung nguyên liệu ngày càng khó khăn và đắt đỏ hơn. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan xác nhận hiện giá nguyên liệu vải nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 4-5 lần so với trước khiến giá thành sản xuất mặt hàng này bị đẩy cao.

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Tanaphar, hiện nguyên liệu để sản xuất trong nước đang rất căng thẳng, chỉ có thể đáp ứng sản xuất trong khoảng 7-10 ngày tới nếu không có nguyên liệu mới nhập về.

“Trong khi đó, nhu cầu hiện nay trong cả nước đối với loại khẩu trang ba lớp vào khoảng 100 tấn/tháng, tương đương 150 triệu chiếc” - đại diện Tanaphar thông tin.

Nhiều nơi treo bảng hết khẩu trang - Ảnh: Thu Hà

Tung thêm 3 triệu khẩu trang ra thị trường

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, thông tin: Chiều 7-2, các doanh nghiệp sản xuất vải và may mặc đã có cuộc họp với Sở Công Thương TP.HCM cùng các nhà bán lẻ như Co.opmart, Big C.

Theo đó, đã có ba đơn vị trong hội đã lên kế hoạch sẵn sàng cung ứng nguyên liệu vải để có thể sản xuất khẩu trang kháng khuẩn. Nếu mọi việc không có gì thay đổi và thông qua hệ thống phân phối của các siêu thị trên, các doanh nghiệp sẽ cung ứng từ 2 triệu đến 3 triệu chiếc khẩu trang ra thị trường.

“Nhằm góp tay cùng TP.HCM chống dịch, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng…, chúng tôi sẽ bán khẩu trang ra thị trường với giá phù hợp, không tăng giá” - ông Hồng khẳng định.

TÚ UYÊN 

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và xuất khẩu Vina Towel Việt Nam cũng thông tin phía công ty đang hoạt động hết năng suất, số lượng thành phẩm đạt hơn 100.000 chiếc/ngày với mức giá không thay đổi. Tuy nhiên, nếu nguyên liệu dự trữ của công ty sản xuất hết thì không biết nhập mới từ đâu.

“Hiện nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu nguyên liệu, còn lại phải nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nguyên liệu nhập từ Trung Quốc đang bị ngưng khiến các nhà sản xuất gặp khó, trong khi chưa tìm được nguồn hàng mới nào khác” - vị đại diện công ty cho hay.

Ông Nguyễn Đình Thụy, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng An (Bình Dương), hiện tại sản xuất khoảng 20.000 chiếc khẩu trang/ngày, không dám nhận thêm đơn hàng mới vì nguồn cung nguyên liệu không thể chủ động, thậm chí khan hiếm. Hơn nữa giá nguyên liệu đang tăng giá chóng mặt khiến giá thành sản xuất sản phẩm tăng cao.

Ví dụ như giấy tăng từ 2.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg. Giá nguyên liệu vòng thun đeo từ hơn 20.000 đồng/kg, giờ tăng lên hơn 50.000 đồng/kg. Màng nhựa lọc vi khuẩn giá hơn 60.000 đồng/kg thì hiện nay giá hơn 100.000 đồng/kg.

Giải pháp của doanh nghiệp ông Thụy là tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các nước khác. “Chúng tôi đang tìm nhập nguyên liệu làm màng nhựa lọc khuẩn từ Ấn Độ và một số nước khác, nhưng chưa có hàng ngay” - ông Thụy cho biết.

Kết nối, huy động doanh nghiệp cả nước vào cuộc

Về vấn đề thiếu nguyên liệu, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế, cho biết: “Theo số liệu thì có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế nhưng chúng tôi đang huy động thêm các đơn vị khác trên toàn quốc cùng tham gia vào sản xuất để đáp ứng công tác phòng chống dịch”.

Tuy nhiên, một thách thức mới nảy sinh đó là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất khẩu trang y tế từ trong và ngoài nước đang trong tình trạng thiếu hụt khiến doanh nghiệp khó vận hành được công suất tối đa.

Ví dụ như vải không dệt thì hiện trong nước đã sản xuất được, thời gian tới có thể gia tăng nhưng không nhiều. Còn màng lọc kháng khuẩn thì nhập khẩu từ Trung Quốc tới 70%. Trong khi đó Trung Quốc đang cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu. Các nước khác khan hàng hoặc giá rất cao.

“Bộ Y tế và Bộ Công Thương đang phối hợp tìm các giải pháp để chủ động tìm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế. Cụ thể, Bộ Công Thương huy động các lực lượng tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Bộ Y tế hỗ trợ về các thủ tục, tiêu chuẩn chất lượng khẩu trang” - ông Tuấn cho hay.

Mỗi ngày sản xuất hơn 1,2 triệu khẩu trang

Theo Bộ Y tế, hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trong đó có khoảng 11 đơn vị sản xuất quy mô lớn với năng lực sản xuất 1,245 triệu chiếc mỗi ngày.

Dốc hết sức ngày đêm làm khẩu trang phòng dịch Corona ảnh 3
Người dân tại TP.HCM đang chờ mua khẩu trang. Ảnh: THU HÀ 

Đối với khẩu trang vải, số lượng doanh nghiệp trong ngành dệt may lên đến 7.000. Việc tham gia sản xuất khẩu trang vải không đòi hỏi nhiều về thay đổi quy trình, máy móc, có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm