Trong tuần qua, bài viết “Đề xuất tính lương hưu khu vực công và tư như nhau” đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Dự kiến từ ngày 1-7 tới sẽ cải cách tiền lương, Nhà nước sẽ bãi bỏ lương cơ sở, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số lương hiện hành và xây dựng bảng lương mới cho từng vị trí việc làm, chức danh và thu hẹp đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Theo phương án cải cách tiền lương, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) sẽ tăng khoảng 30%.
Theo đó, người có thời gian đóng BHXH theo mức tiền lương sau cải cách càng dài, bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, theo quy định cũng tăng tương ứng.
Lương hưu chưa đủ sống
Ông LQĐ (ngụ TP.HCM) cho biết năm nay ông gần 70 tuổi, dù đang nhận lương hưu nhưng ông vẫn phải xin làm bảo vệ tại một công ty để có thêm tiền trang trải cuộc sống.
Năm 2016, ông Đ hết tuổi lao động, ông làm thủ tục nhận lương hưu hằng tháng. Với thời gian đóng BHXH hơn 30 năm nhưng do mức đóng BHXH lúc đi làm thấp nên ông chỉ được nhận lương hưu chưa đến 3 triệu đồng/tháng.
Qua mấy lần điều chỉnh lương hưu, hiện tại lương hưu của ông Đ cũng chỉ được khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Với số tiền lương hưu ít ỏi trên, ông không đủ chi tiêu hằng tháng. Để không vướng bận con cái, ông Đ đã xin làm bảo vệ để kiếm thêm thu nhập và cũng để dành tiền đề phòng ốm đau sau này.
“Theo tôi nghĩ, việc điều chỉnh lại cách tính lương hưu so với quy định hiện nay là điều hợp lý và cần thiết, bởi lương hưu của người hưởng tuy có tăng theo từng giai đoạn nhưng không tăng bằng vật giá leo thang. Cách tính lương hưu làm sao không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng là được” - ông Đ nêu ý kiến.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh (ngụ quận Gò Vấp. TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đang là viên chức làm việc cho một cơ quan nhà nước. Mức lương tháng đóng BHXH của tôi lúc mới vào làm chưa đến 2 triệu đồng/tháng (tính theo bậc lương nhà nước). Trải qua hơn 10 năm làm việc, hiện tại mức lương tính đóng BHXH của tôi chưa đến 6 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, bạn tôi với trình độ ĐH như tôi, hiện tại làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân với mức lương tính đóng BHXH hằng tháng đã hơn 14 triệu đồng/tháng. Nếu 20 năm chúng tôi về hưu và cách tính giữa những người làm việc khối nhà nước và tư nhân như nhau thì lương hưu của tôi sẽ thấp hơn bạn tôi rất nhiều.
Biết rằng nếu đóng BHXH thấp thì sẽ hưởng lương hưu thấp nhưng những người làm việc và cống hiến cả đời mà khi về già lương hưu không đủ sống thì cũng buồn”.
Phải điều chỉnh mức tiền lương đóng BHXH
Anh Thanh Nam, nhân viên nhân sự một công ty may ở TP.HCM, cho biết việc mong muốn sự công bằng trong cách tính lương hưu giữa người làm việc thuộc khu vực nhà nước và tư nhân là cần thiết. Bởi theo Điều 62 Luật BHXH thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu theo những năm cuối đóng BHXH (tùy vào thời gian tham gia BHXH). Tuy nhiên, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người làm việc ở khu vực tư nhân là toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Như vậy, người làm việc thuộc khu vực nhà nước dù trước đó họ đóng BHXH thấp vẫn không bị ảnh hưởng, còn người làm ở khu vực tư nhân thì sẽ bị giảm mức lương hưu xuống.
Anh Nam cho rằng cần phải thay đổi cách tính lương hưu cho phù hợp hơn và mang lại sự công bằng giữa lao động ở khu vực nhà nước và tư nhân.
Chị Nguyễn Minh Hạnh, nhân viên kế toán một công ty tại tỉnh Long An, nêu ý kiến: Theo chị, cần nhìn nhận một thực tế rằng lương tính đóng BHXH hằng tháng của người làm việc nhà nước là thấp và chắc chắn sẽ thấp hơn người lao động tư nhân. Nếu cách tính lương hưu giống nhau giữa người làm việc nhà nước và tư nhân thì khi hết tuổi lao động, người làm nhà nước sẽ nhận mức lương hưu không đủ sống.
“Theo tôi, Nhà nước nên nghiên cứu bố trí nhân sự hợp lý hơn để giảm gánh nặng ngân sách chi trả lương cho cán bộ, viên chức nhà nước. Đồng thời, xem xét nâng mức đóng BHXH hằng tháng. Có như thế, khi về hưu tất cả người làm ở khu vực nhà nước hay tư nhân đều có lương hưu đủ sống” - chị Hạnh chia sẻ.
Tính lương hưu theo từng giai đoạn
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật BHXH năm 2014 để khắc phục được những hạn chế, bất cập phát sinh do thực hiện cải cách tiền lương.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa quy định trên theo hướng người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân chung hai giai đoạn như sau: Giai đoạn đóng BHXH trước ngày 1-7-2024, tính bình quân của số năm cuối tính đến ngày 30-6-2024; giai đoạn đóng BHXH từ ngày 1-7-2024 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Với phương án trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tính toán tác động cụ thể đối với người lao động nghỉ hưu theo từng năm, trên cơ sở đó đề xuất việc tính bình quân của số năm cuối tính đến ngày 30-6-2024, để báo cáo Chính phủ đề xuất chi tiết tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 63 theo hướng người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1-1-2016 thì tiền lương tháng đóng BHXH trước ngày 1-7-2024 được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại tháng 6-2024.
Tiền lương tháng đã đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại tháng 6-2024 và tiền lương tháng đã đóng BHXH từ ngày 1-7-2024 trở đi, được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng quy định trên cũng cần làm rõ tác động đối với ngân sách nhà nước; mức độ thay đổi lương hưu theo cách tính hiện hành (trước và sau khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương) với cách tính như đề xuất; sự chênh lệch này theo từng năm từ sau khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến năm 2040. PV