LTS:Theo dự kiến, hôm nay (24-6) Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự luật Khí tượng thủy văn. Trước đó, tại các buổi thảo luận tổ nhiều đại biểu cho rằng cần phải có chế tài đối với việc dự báo thời tiết không chính xác. Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu quy định của một số nước để bạn đọc tham chiếu.
“Nắng mưa là chuyện của trời”. Thế nhưng những yếu tố thời tiết này lại gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hiệu quả của nhiều hoạt động kinh tế-xã hội của người dân. Khi những người làm dự báo thời tiết - những người đoán “ý trời” - nói sai thì luật pháp phải biết xử lý như thế nào?
Dự báo sai “ý trời”, lãnh 10 năm tù
Vào năm 2012, Nam Phi đã ban hành luật mới quy định những ai ban hành những dự báo thời tiết không chính xác có thể đối diện với án tù. Cơ quan Thời tiết Nam Phi cho hay bất kỳ nhân viên nào muốn ban hành một dự báo quan trọng phải được sự cho phép của cơ quan. Đạo luật này còn áp dụng cho cả những thành viên dự báo thời tiết trên đài phát thanh như dự báo lũ quét, hạn hán, bệnh dịch.
Giới quan chức cho hay đạo luật này sẽ bảo vệ được cộng đồng khỏi những dự báo sai lầm, bởi sai lầm trong dự báo thời tiết có thể “gây hoang mang trong công chúng và dẫn tới nhiều cuộc sơ tán hoặc gây lãng phí tài nguyên như tiền bạc, nhân lực và công nghệ”. Phạm lỗi dự báo thời tiết sai lần đầu có thể bị phạt tù năm năm hoặc bị phạt tiền là 614.000 USD (hơn 13,3 tỉ đồng). Còn đối với những người có nhiều vi phạm liên tiếp sẽ có thể đối mặt với án tù 10 năm hoặc bị phạt 1,2 triệu USD (hơn 26 tỉ đồng).
Bộ luật Hoa Kỳ (tập hợp “pháp điển hóa” những đạo luật liên bang) cũng ghi nhận mức phạt tiền hoặc ngồi tù đối với hành vi cung cấp thông tin dự báo thời tiết sai lệch. Tuy nhiên, luật pháp Hoa Kỳ có phần “nhân từ” hơn Nam Phi khi chỉ định mức tiền phạt không vượt quá 500 USD hoặc bị bắt giam không quá 90 ngày. Bên cạnh đó, tòa án cũng chỉ ra phán quyết khi được thuyết phục rằng bị cáo đã đưa thông tin dự báo sai lệch một cách “có chủ đích”, tức là biết sai mà vẫn công bố thông tin.
Theo trang mạng Pravda.ru (Nga), ngay cả những chuyên gia dự báo thời tiết Nhật Bản, những người thường xuyên được thử thách trước các báo động sóng thần, với những trang thiết bị dự báo tối tân và nguồn quỹ đầu tư cho giám sát khí hậu khổng lồ vẫn khó tránh khỏi mắc phải những sai lầm. Cũng do đó, chính quyền Nhật đã thiết lập một hệ thống mức phạt đối với những dự báo thời tiết sai lệch.
Cơn bão Katrina năm 2005 đã tàn phá miền Đông Nam Hoa Kỳ. Các nhà khoa học đã không thể dự báo chính xác hướng di chuyển của cơn bão. Ảnh minh họa: trincoll.edu
Cấm người “nghiệp dư” dự báo thời tiết
Trung Quốc cũng đang thắt chặt quản lý các thông tin dự báo thời tiết. Kể từ tháng 5-2015, chính quyền Bắc Kinh đã cấm hành vi tự tiện công bố báo cáo thời tiết “nghiệp dư” tại nước này. Theo Cơ quan Quản lý Khí tượng học Trung Quốc (CMA), chỉ những báo cáo thời tiết chính thức của nhà nước mới được quyền công bố và lan truyền rộng rãi. Theo tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), những trường hợp vi phạm sẽ phải chịu mức phạt lên đến 50.000 nhân dân tệ (hơn 174 triệu đồng).
Theo tờ International Business Times (Úc), Trung Quốc đưa ra đạo luật này nhằm ngăn chặn những hiệu ứng hoảng loạn gây hại cho xã hội và nền kinh tế nước này. Cơ quan CMA cho biết hiện đang tự hình thành nhiều “kênh tư nhân” chia sẻ thông tin thời tiết tại Trung Quốc thông qua tin nhắn và các trang mạng xã hội. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu đã ghi nhận được một tin đồn sai lệch về bão cấp 17 đánh vào tỉnh Phúc Kiến hồi đầu tháng 4-2015. Tin đồn đã gây hoảng loạng cho người dân khu vực, buộc nhiều chuyến bay bị trì hoãn.
Ở chiều ngược lại, những người nghiên cứu khí tượng độc lập đã lên tiếng phản đối đạo luật này. Họ cho rằng các báo cáo khí tượng nguồn nhà nước thường không chính xác và cần có thông tin đối chiếu. Trước đó, bảng đánh giá Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) chính thức của Bắc Kinh đã bị phát hiện báo cáo thấp hơn rất nhiều so với bảng đánh giá của Đại sứ quán Mỹ tại đây. Chính phủ Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng lên tiếng kêu gọi các ứng dụng điện thoại phổ biến tại nước này ngưng dùng báo cáo thời tiết của Đại sứ quán Mỹ và chuyển sang dùng của chính phủ. Tuy nhiên, giới hoạt động môi trường tại Trung Quốc vẫn còn sợ các báo cáo của Bắc Kinh có thể làm nhẹ các ô nhiễm môi trường mà nước này đang gặp phải.
Dự báo thời tiết sai: Phải xem động cơ
Trong bài viết “Trách nhiệm pháp lý đối với dự báo thời tiết”, Roberta Klein, nguyên Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Khoa học và Công nghệ, ĐH Colorado (Hoa Kỳ), có đưa ra một vụ kiện điển hình như sau: Vào tháng 11-1980, một tàu đánh bắt tôm hùm từ bang Massachusetts đã đưa trên dự báo thời tiết “biển đẹp” của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ (NWS) và dong thuyền ra khơi. Thế nhưng chỉ sau một ngày trên biển, một cơn bão kinh hoàng đã bất ngờ ập đến vùng biển và nhấn chìm con thuyền, làm ba ngư dân thiệt mạng.
Những người vợ của ba nạn nhân trên đã quyết định đâm đơn kiện chính quyền liên bang (mà cụ thể ở đây là NWS) đã đưa ra báo cáo thời tiết sai lệch. Họ lập luận rằng chính vì NWS có một phao dữ liệu thời tiết biển không hoạt động chính xác nên đã đưa ra dự báo sai lệch. Thuyền trưởng của chiếc tàu gặp nạn cũng không nhận được cảnh báo rằng vùng biển có mối nguy hiểm do một phao dữ liệu thời tiết không hoạt động.
Trước lập luận rằng sự kém hiệu quả trong hoạt động của NWS đã gây nên tổn thất về nhân mạng cho dân thường, tòa án đã bất ngờ tuyên bố chính quyền liên bang Hoa Kỳ phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân khoản tiền lên đến 1,25 triệu USD (hơn 27,1 tỉ đồng). Thế nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó.
Sau khi chính quyền liên bang gửi đơn kháng cáo, tòa phúc thẩm đã cho rằng các cơ quan chính phủ như NWS có “quyền miễn trừ” và đưa ra những quyết định cân nhắc về chính trị, xã hội và kinh tế, xem xét liệu có cần phải sửa chữa các phao biển này hay không. Trong thông báo của NWS, cơ quan này đã lên kế hoạch bảo trì chiếc phao nằm vào tháng 1 năm sau khi đã có kinh phí.
Kèm theo đó, tòa cũng nhận xét rằng việc đưa ra các dự báo thời tiết bao gồm nhiều nhân tố nên dự báo thời tiết không thể hoàn toàn đúng. Cũng không có chuyên gia nào chứng minh được rằng liệu như phao dữ liệu thời tiết biển được chỉnh sửa thì báo cáo thời tiết có khác đi hay không. Cũng vì thế nên không thể kết luận rằng việc NWS không cho sửa chiếc phao biển đấy là yếu kém. Tòa phúc thẩm quyết định lật ngược phán quyết và gia đình ngư dân không được nhận bồi thường.
Cả nghiên cứu của Roberta Klein và các nghiên cứu sau đó về trường hợp này đều nhận định đây là một vụ kiện còn nhiều tranh cãi. Bà Roberta Klein kết luận không thể chỉ dựa vào yếu tố dự báo sai lệch đối với thời tiết thực tế để kết tội một cá nhân hay đơn vị thực hiện dự báo thời tiết. Thay vào đó, cần có bằng chứng liệu dự báo sai lệch đó có thể tránh được không nếu như sử dụng các biện pháp nghiên cứu khí tượng hiện có, tức liệu hành vi sai trái “có chủ đích” hay không.
Dự báo thời tiết khó chính xác hoàn toàn Thực ra hiện nay khoa học vẫn chưa đủ khả năng đưa ra những dự báo thời tiết hoàn toàn chính xác. Trong bài viết trên tờ The Washington Post (Hoa Kỳ), hai nhà bình luận và cũng là nhà khí tượng học Jason Samenow và Angela Fritz nhận định: “Dự đoán địa điểm và cường độ giông bão khó còn hơn đoán bong bóng trong nồi nước sôi khi nào sẽ nổ (!)”. Tính đến năm 2013, những kênh dự báo thời tiết đại chúng uy tín nhất của Mỹ như trang AccuWeather, Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) và Weather Channel chỉ có thể đưa ra dự báo thời tiết ngày tiếp theo chính xác khoảng 82%. Theo The Washington Post, ngành khí tượng học đã có những thành công lớn để dự báo thời tiết trong khoảng thời gian 24 và 48 tiếng đồng hồ. Còn khi đã vượt qua giới hạn tám ngày, các dự báo hoàn toàn rơi vào “hỗn loạn”. Chỉ cần một biến động rất nhỏ cũng có thể thay đổi hoàn toàn mô hình thời tiết của một tuần và những tháng sắp đến. |