“Chúng tôi đang gặp phải vấn đề kinh khủng là các hãng du thuyền lớn của thế giới với lượng khách khổng lồ khi đến TP.HCM thì không có bến đậu”. Đây là thực trạng đáng buồn được TS Hà Bích Liên, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cố vấn cấp cao cho hai hãng tàu lớn của Mỹ và Đức, nêu ra tại hội thảo về công tác quản lý nhà nước ngành du lịch TP.HCM do Sở Du lịch TP.HCM vừa tổ chức.
“Con thuyền không bến”
TS Liên cho hay hai hãng du thuyền lớn nhất thế giới là Royal Caribbean Cruise (Mỹ) và TUI Cruises (Đức). Royal Caribbean Cruise có du thuyền Voyager of the Seas với ít nhất 3.000 khách, du thuyền Quantum of the Seas với 5.800 khách cùng 1.800 thủy thủ. Riêng với hãng du thuyền TUI Cruises mang ít nhất 2.000 khách, mà toàn bộ là khách châu Âu có mức chi tiêu cao.
“Họ tìm đến TP.HCM như là một trong những điểm đến hàng đầu. Đáng tiếc, họ không thể cập cảng và đây cũng là điểm nghẽn của du lịch TP.HCM” - bà Liên nói.
Không chỉ ở TP.HCM mà một số nơi khác cũng vậy. Đơn cử ngày 16-4 vừa qua, du thuyền Voyager of the Seas mang theo 4.800 du khách Mỹ, Anh, Úc… không thể cập được cảng Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) dù đã đăng ký trước 18 tháng nên cứ lênh đênh ngoài khơi. Không chỉ cảng Phú Mỹ mà các cảng khác cũng từ chối. Lý do khi cho tàu chở hàng cập cảng, công ty kinh doanh cảng kiếm được nhiều tiền hơn so với cho tàu khách, du thuyền cập cảng.
“Trung bình một khách đi du thuyền chi tiêu 100 USD/ lần cập cảng. Khi họ không thể cập cảng, các công ty du lịch nói riêng và ngành du lịch đã mất đi nguồn thu rất lớn. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì các hãng tàu lớn trên thế giới sẽ bỏ TP.HCM. Đối với họ, đây là chuyện không thể chấp nhận được” - bà Liên nói.
Sản phẩm du lịch TP.HCM vẫn còn đơn điệu, thiếu tính đặc trưng. Trong ảnh: Du khách nước ngoài tham quan TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN
Không chỉ vậy, TS Liên cho hay bà mới được thông báo một tin kinh khủng: Ngày 1-9 tới đây, du thuyền Voyager of the Seas với 2.800 khách và ngày 17-10, du thuyền Ovation of the Seas với 4.800 du khách sẽ cập cảng nhưng vì không có bến đậu nên hai tàu đành phải hủy lịch trình đến TP.HCM.
“Thiếu bến đậu là nút thắt kinh khủng ảnh hưởng tới việc thu hút khách tàu biển. Chuyện những con thuyền lớn khổng lồ của thế giới đến TP.HCM nhưng không cập cảng được là rất đáng buồn. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về việc thiếu cầu cảng chuyên dụng đón khách du lịch nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết. Ngành du lịch giải thích sao đây khi hàng ngàn du khách lan truyền câu chuyện không thể đến TP.HCM - điểm đến ấm áp, năng động - chỉ vì không có ai đón tàu” - bà Liên chua xót nói.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ thừa nhận việc không có bến đậu cho du thuyền lớn là một trong những nút thắt của ngành du lịch. Hiện đường biển chỉ đón những tàu quy mô nhỏ, không có bến cho tàu lớn.
“Khi một tàu khách hay du thuyền cập cảng, doanh nghiệp (DN) kinh doanh cảng thu 30.000 USD phí cảng, trong khi tàu hàng có quy mô tương tự thì DN kinh doanh cảng thu được 230.000 USD. Như vậy, xét về kinh tế thì DN kinh doanh cảng có quyền chọn lựa tàu hàng hay tàu khách, du thuyền. Đó là xét về kinh tế ở góc độ hẹp nhưng ở góc độ chung, ngành du lịch sẽ bị thiệt hại vì khách không đến nữa. Do đó, cơ quan quản lý đang phối hợp tìm cách giải quyết” - ông Vũ cho hay.
Du khách chi tiêu cực thấp
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nhìn nhận tiềm lực, nguồn lực, hệ thống sản phẩm tài nguyên du lịch TP.HCM không kém, thậm chí nhiều địa phương mơ ước mà không có được. Đáng tiếc là ngành du lịch TP hiện nay vẫn làm theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”.
“Cái quan trọng là TP.HCM cần giải phóng chính sách để giải phóng nguồn lực. Hiện nay chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP.HCM giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vẫn không có. Điều này khiến các nhà đầu tư lúng túng, giống như người ta ra đường mà không biết đi đâu. Các tỉnh xung quanh cũng không biết kết nối thế nào với TP” - ông Kỳ nêu thực tế.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ cho rằng TP.HCM tự hào rằng mình dẫn đầu cả nước về lượng khách lẫn doanh thu. Có điều chi tiêu của du khách tại TP.HCM cực kỳ thấp với chỉ 3,7 triệu đồng/người. Trong khi mỗi khách đến Bhutan chi tiêu tối thiểu 250 USD/ngày, tương đương khoảng 6 triệu đồng.
“Do vậy, du lịch TP phải chuyển hướng mạnh mẽ, phải quan tâm đến hiệu quả doanh thu trên mỗi đầu khách, trên mỗi ngày lưu trú và đặc biệt là số lần khách quay trở lại chứ không chỉ quan tâm đến chuyện đông khách” - ông Mỹ nói.
Trước ý kiến của các DN du lịch và chuyên gia, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, xin tiếp thu và cho biết lãnh đạo TP đã giao nhiệm vụ chính cho Sở mời các đơn vị tư vấn nước ngoài để thực hiện chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP.HCM giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Hiện nay Sở có nguồn tài trợ 2 triệu USD thực hiện nhiệm vụ này.
Ông Vũ cũng cam kết sẽ khảo sát các chỉ tiêu không chỉ là lượng khách đến bao nhiêu mà khách đến ở bao lâu, chi tiêu bao nhiêu, thích dùng cái gì và mang lại lợi ích gì cho người dân. Từ đó có định hướng phát triển du lịch.
Thiếu bến đậu là nút thắt kinh khủng ảnh hưởng tới việc thu hút khách tàu biển
Phố đi bộ nguy cơ thành… phố nhậu Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nhận xét: TP.HCM đang sở hữu quá nhiều sản phẩm du lịch, nhiều đến mức không biết phải làm gì, không biết cần đẩy cái nào trở thành sản phẩm đặc trưng. Ví dụ sau một năm đi vào hoạt động, phố đi bộ Bùi Viện đã trở thành phố nhậu, phố ngồi. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tương tự với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Giờ khách đến TP muốn xem xiếc, ca nhạc cũng không biết đi đâu, đến chỗ nào. “Sở Du lịch cũng nên coi lại chợ Bến Thành vì hai bên hông chợ quá nhếch nhác, nguy hiểm về giao thông cho du khách. Chất lượng hàng hóa cũng không tốt. Tầm vóc của TP.HCM không phải như vậy mà phải đàng hoàng, đĩnh đạc” - ông Kỳ nhấn mạnh. Kém xa các thành phố khác
Năm 2017, TP.HCM đón 6,4 triệu lượt khách so với cả nước là 13 triệu khách. Tuy nhiên lại sụt giảm so với 20 năm trước đây, những năm hoàng kim TP.HCM chiếm 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Hơn nữa, TP.HCM vẫn kém xa các TP dẫn đầu khu vực như Bangkok đón 21,47 triệu khách, Singapore đón 18 triệu khách. |