Đưa thức ăn đường phố vào khuôn khổ

Từ tháng 10-2013, TP.HCM đã xây dựng mô hình thí điểm quản lý thức ăn đường phố tại phường 12 (quận 4) và phường Tân Thành (quận Tân Phú).

Điểm bán bánh mì thịt của chị Lan trên đường Vườn Lài (phường Tân Thành, quận Tân Phú) luôn đông khách vì giá rẻ, hợp vệ sinh. Ổ bánh mì thịt được đựng trong bịch nylon nhỏ sạch sẽ. Mỗi khi nhận tiền từ khách, chị Lan tháo găng tay ra, sau đó lại đeo găng tay vào làm ổ bánh mì khác cho khách...

Không sạch không ăn!

“Trước đây, tôi không đeo găng tay vì vướng víu, thao tác chậm. Bánh mì thì gói bằng giấy báo, mực đen thui. Tay trần vừa bốc thịt vừa cầm tiền của khách... Bây giờ không đeo găng tay, không sử dụng đồ gắp... là thấy thiếu thiếu” - chị Lan vui vẻ kể.

Chị Lan cho biết găng tay, dụng cụ gắp thức ăn, giỏ rác... được UBND phường phát không. Bên cạnh, chị còn được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và khám sức khỏe miễn phí.

Tương tự, điểm bán bánh cuốn của bà Sáu (khu phố 1, phường 12, quận 4) cũng luôn đông khách. Chả, nước mắm để trong tủ kiếng. Rau, giá đựng trong thau nhôm sạch sẽ, có nắp đậy. Bà Sáu mang tạp dề, đeo găng tay tráng bánh. Người phụ việc cũng đeo găng tay để lấy rau, chả. Cạnh mỗi bàn ăn có một giỏ đựng rác...

Bà Sáu bộc bạch: “UBND phường nhắc nhở năm lần bảy lượt mới được như vầy chứ trước đây quán không được sạch sẽ lắm. Người phụ việc cho tôi cũng phải tập huấn kiến thức ATVSTP và được khám sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Giỏ rác, tạp dề, găng tay... được phát không. UBND phường thường kiểm tra và yêu cầu chỉnh sửa khi thấy quán không đảm bảo vệ sinh. Cho dù là thức ăn đường phố, giá cả bình dân nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho khách”.

 
Thói quen sử dụng găng tay và dụng cụ gắp thức ăn đã hình thành trong nhận thức của những người kinh doanh thức ăn đường phố tại hai phường 12 (quận 4) và Tân Thành (quận Tân Phú). Ảnh: TRẦN NGỌC

Ông Minh, người đang ăn bánh cuốn, góp lời: “Khách ăn uống giờ họ kỹ tính lắm, chỗ nào rẻ nhưng không sạch sẽ dứt khoát họ chẳng ghé. Thà bỏ thêm 3.000 đồng, 4.000 đồng kiếm chỗ sạch sẽ ăn cho yên tâm”.

̀a vận động vừa kiên quyết

“Khi được Chi cục ATVSTP TP.HCM chọn là phường điểm quản lý thức ăn đường phố, chúng tôi phải xây dựng nội dung, tiêu chí... để tuyên truyền và vận động tới từng hộ kinh doanh loại hình này. Nhưng quả thực không dễ bởi thói quen kinh doanh theo kiểu bốc thức ăn tay trần đã hình thành rất lâu, muốn thay đổi nhận thức không thể ngày một ngày hai. Tuy nhiên, nhờ kiên quyết nên chúng tôi đã đạt được một số kết quả nhất định” - bà Trần Thị Hồng Cúc, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thành (quận Tân Phú), chia sẻ.

Theo bà Cúc, trên địa bàn phường có 118 điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Mặc dù phường đã bốn lần tổ chức tập huấn kiến thức ATVSTP và khám sức khỏe miễn phí nhưng đến nay vẫn còn 15 hộ không tham gia tập huấn, không khám sức khỏe. “Đối với những hộ này, chúng tôi sẽ mời lần cuối, nếu họ cố tình không tham gia tập huấn kiến thức ATVSTP, không khám sức khỏe thì chúng tôi sẽ phạt vi phạm hành chính về ATVSTP theo đúng Nghị định 178/2013” - bà Cúc nói.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường 12 (quận 4), cũng cho biết: “Mỗi tuần hai lần UBND phường đi kiểm tra và nhắc nhở những người không sử dụng các dụng cụ được cấp phát. Đến nay, ý thức thực hiện các điều kiện ATVSTP của những hộ kinh doanh thức ăn đường phố cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, vẫn còn vài hộ không chịu tham gia tập huấn kiến thức ATVSTP, không khám sức khỏe. Tới đây, trong thư mời các hộ này, phường sẽ đính kèm quy định xử phạt hành vi kinh doanh thức ăn đường phố nếu không có giấy xác nhận đã tập huấn, đã khám sức khỏe. Một khi biết bị phạt các hành vi nói trên, các hộ này sẽ chấp hành”.

TRẦN NGỌC

 

Chi cục ATVSTP TP.HCM thường xuyên kiểm tra đột xuất hai mô hình thí điểm quản lý thức ăn đường phố của phường 12 (quận 4) và phường Tân Thành (quận Tân Phú) và đánh giá khá tốt. Sau khi tổng kết, hai mô hình nói trên sẽ được nhân rộng để các phường, xã khác trên địa bàn TP.HCM cùng thực hiện. Chi cục ATVSTP TP.HCM cũng tiếp nhận các đề xuất xây dựng mô hình quản lý thức ăn đường phố của các tập thể, cá nhân để xem xét và phổ biến thực hiện nếu phù hợp.

Ông HUỲNH LÊ THÁI HÒA, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM

Điều kiện ATVSTP tại các điểm kinh doanh thức ăn đường phố của hai phường điểm hiện đã cải thiện đến 70%.

ThS-BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm