Trong một lần, chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức diễn tập PCCC cho tòa nhà, khi tiếng chuông báo cháy của các tầng vang lên, nhiều người dân nhanh chóng bỏ mọi sinh hoạt dang dở để chạy ra hướng cầu thang bộ thoát hiểm. Những người có con nhỏ còn không quên dặn vội con rằng không được vào thang máy vì có thể mất điện và bị kẹt trong đó. Thế nhưng khi chạy, anh ra cửa sổ ngoái nhìn xuống thì thấy một số gia đình ra ban công đứng xem mọi người làm việc như không hề có chuyện gì, mặc dù đi cùng với họ có không ít trẻ con. Họ đứng cười nói, chỉ trỏ... Anh tả rồi kết thúc status của mình bằng một câu: “Thật đáng tiếc cho những gia đình này vì đã bỏ lỡ cơ hội giáo dục con cái tốt nhất”.
Status lập tức rất được nhiều người chú ý và đồng tình quan điểm với anh này. Đồng thời, họ chê trách cách hành xử của các gia đình nọ. Bởi chính việc chủ quan, thiếu ý thức hợp tác như thế sẽ góp phần gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và cũng dễ để lại hậu quả đáng tiếc khi có biến cố thật xảy đến.
Tôi bất chợt nhớ đến buổi diễn tập PCCC tại Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3, TP.HCM) cách đây không lâu. Khi giả định có cháy, học sinh (HS) nhanh chóng di chuyển theo giáo viên ra khỏi khu vực trường học và đứng tập trung trên vỉa hè phía cổng trường.
Từ xa, tiếng còi của các xe chuyên dụng để cứu hỏa hú vang trên đường, tiến thẳng phía trường học. Tất cả HS ồ lên, reo hò, vỗ tay vui mừng hướng ra phía công trường, nơi những người lính cứu hỏa đang rất tất bật, nhanh chân kéo dây phun nước, máy móc chuyên dụng để dập lửa. Phía trong sảnh trường, các anh cứu hộ cũng tức tốc lên các lớp học kiểm tra xem còn ai không, đồng thời bế thốc hai HS là nạn nhân giả định chạy nhanh đến điểm an toàn. HS phía ngoài lại một phen ồ lên vui mừng. Ngoài hai nạn nhân này, đội cứu hộ cũng đã tìm được một HS nữ vì đi vệ sinh rồi ở trong lớp mà quên diễn tập cùng cả trường. Điều này đã trở thành bài học kinh nghiệm về công tác điểm danh cho nhà trường.
Nhìn chung buổi diễn tập thành công. Tuy nhiên, điều thấy chưa ổn nhất và rất đáng suy ngẫm đó là vấn đề về tâm thế và cảm xúc của HS.
Một cán bộ PCCC tâm tư: “Dù đây chỉ là diễn tập, anh em làm việc rất nghiêm túc và khẩn trương, như thế thì khi có biến cố mọi người mới có kinh nghiệm xử lý kịp thời. Đáng lẽ nhà trường và các em HS cũng nên như vậy. Ai đời thấy xe cứu hỏa hoặc thấy nạn nhân, các em lại reo hò là thua rồi! Lẽ ra trong quá trình diễn tập, các em phải được dạy cháy nổ nguy hiểm ra sao, tập huấn cách thoát nạn... Điều đó không có nghĩa là các em phải giả vờ, mà giáo viên có thể giải thích cho HS hiểu ý nghĩa từng hành động của lính cứu hỏa để HS học tập”.
Đúng như thế, bởi vì việc các em diễn tập như thế nào không bằng các em học được gì qua diễn tập.