Thiết bị đo độ chặt nền đường có chứa phóng xạ đang lưu giữ tạm trong một chiếc thùng sắt để trong phòng tại Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC
Chiều nay (22-6), Sở Khoa học công nghệ Phú Yên làm việc với Trung tâm Tư vấn cầu đường tỉnh này để xử lý, bảo quản tạm thời thiết bị đo độ chặt nền đường bị lọt tia phóng xạ ra ngoài. Ông Dương Bình Phú, Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ Phú Yên, cho biết trong thời gian chờ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt tiếp nhận để đưa đến lưu giữ tại kho lưu giữ chất thải phóng xạ của viện, Sở Khoa học công nghệ Phú Yên yêu cầu Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên dùng chì bịt kín thiết bị rồi đưa vào thùng sắt, tiếp tục xử lý chì ở các khe hở của thùng sắt.
Hiện chiếc thùng sắt này đã được đưa từ chân cầu thang của Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên vào một căn phòng trống. Theo ông Phú, khoảng cách từ chiếc thùng đựng thiết bị đến mặt ngoài các bức tường dài hơn 1 m nên sẽ giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của các tia phóng xạ bị lọt ra ngoài.
Trong khi đó, theo ông Dương Ngọc Anh, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và an toàn bức xạ hạt nhân (Sở Khoa học công nghệ), kết quả kiểm tra của Sở cho thấy khi thiết bị này để trong két sắt đựng tiền đặt dưới chân cầu thang có mức độ phóng xạ bị lọt ra ngoài vượt ngưỡng cho phép gần bốn lần. Tuy nhiên, ông Anh cho rằng với mức độ phóng xạ này, khi đứng cách xa 1-2 m vẫn có thể an toàn.
Cận cảnh chiếc thùng sắt đựng thiết bị chứa phóng xạ. Ảnh: TẤN LỘC
Ông Võ Quốc Văn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên, cho hay Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã có văn bản trả lời đề nghị của trung tâm về việc tiếp nhận, lưu giữ thiết bị trên. “Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết sẽ làm quy trình tiếp nhận. Tuy nhiên, Viện chưa nói khi nào sẽ tiếp nhận do viện trưởng đang đi nước ngoài. Mặt khác, hiện nay chúng tôi cũng chưa có kinh phí để hợp đồng việc lưu giữ với Viện”.
Cũng theo ông Văn, lâu nay Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên xem thiết bị trên bình thường như những thiết bị thí nghiệm khác chứ không biết có chứa phóng xạ. Do không có nhu cầu sử dụng, Trung tâm đã có nhiều văn bản trả lại thiết bị trên nhưng không có nơi tiếp nhận. Ông Dương Bình Phú cho biết thêm: “Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Phú Yên, nơi cung cấp thiết bị trên là Ban Quản lý dự án 1 (PMU1 thuộc Bộ Giao thông vận tải- PV) chính thức trả lời là hồ sơ của thiết bị đã bị mất. Do đó, sắp tới Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt sẽ tiến hành kiểm tra, đo đạc để thiết lập hồ sơ mới cho thiết bị".
Sở Khoa học công nghệ Phú Yên làm việc với Trung tâm Tư vấn cầu đường để bảo quản tạm thời thiết chứa phóng xạ. Ảnh: TẤN LỘC
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, thiết bị đo độ chặt nền đường trên được PMU1 sử dụng trong quá trình thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên vào những năm 2001-2002. Sau khi hoàn hành dự án, tỉnh Phú Yên xin Bộ Giao thông vận tải toàn bộ gói thiết bị làm đường, trong đó có máy đo độ chặt nền đường có sử dụng nguồn phóng xạ được giao cho Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên nhưng đơn vị này không biết sử dụng và cất vào kho.
Đến năm 2013, Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên chuyển trụ sở đến nơi khác và đơn vị tiếp quản trụ sở cũ không chấp nhận để thiết bị này tại đây. Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên lại đem thiết bị bỏ vào một két sắt dùng đựng tiền để dưới chân cầu thang tại trụ sở mới. Mới đây, qua kiểm tra, Sở Khoa học công nghệ Phú Yên phát hiện có tia phóng xạ lọt ra ngoài, có nguy cơ gây mất an toàn về sức khỏe đối với những người ở gần.