Đừng dại cho khách mượn nhà đánh bài ngày Tết

(PLO)- Chủ nhà cho khách mượn nhà đánh bài có thể bị phạt tiền, ngoài ra áp dụng xử lý hình sự.

Thưa luật sư, đầu năm mới thường có bà con, họ hàng đến chúc Tết, tụ tập ăn uống, đánh bài ăn tiền. Xin hỏi nếu cho khách mượn nhà đánh bài, chủ nhà có bị phạt không?

Bạn đọc Hoài Ngọc (TP.HCM)

Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Theo pháp luật, đánh bạc trái phép là hành vi tham gia một trong các hình thức xóc đĩa, tá lả, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen,... hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật.

Như vậy, hành vi đánh bài ăn tiền vào ngày Tết tưởng chừng chỉ là vui chơi, nhưng có mục đích được, thua bằng tiền, tài sản nên xếp vào trường hợp "đánh bạc trái phép".

Đồng thời, chủ nhà cũng bị xác định vi phạm pháp luật nếu cho khách mượn nhà đánh bài, bị xử phạt cụ thể như sau:

- Xử lý vi phạm hành chính:

Theo khoản 4 Điều 28 Nghị định 144/2021 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình), hành vi dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc sẽ bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000.

- Xử lý hình sự:

Một số trường hợp cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự về "Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc", theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:

+ Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên.

+ Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên.

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 322 này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 (Tội đánh bạc) hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Trong các trường hợp trên, người phạm tội sẽ bị xử phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Nếu có tình tiết định khung tăng nặng thì có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới