Đừng dại mà báo chốt CSGT

(PLO)- Hành vi báo chốt CSGT có thể bị phạt đến 10 triệu đồng.

Chỉ cần gõ cụm từ “tránh chốt CSGT”, “né chốt CSGT”,... sẽ xuất hiện hàng loạt hội nhóm trên mạng xã hội. Những hội nhóm kín này có hàng ngàn thành viên tham gia, theo dõi nhằm thông báo vị trí, khu vực tuần tra, đo nồng độ cồn, kiểm soát tốc độ của CSGT.

Để tránh bị phát hiện, các nhóm này kiểm duyệt chặt chẽ người tham gia, dùng các cụm từ nói lái để ám chỉ việc kiểm tra của lực lượng chức năng. Đáng nói, một số người cho rằng hành vi này là “giúp” những người khác, tưởng chừng vô hại. Tuy nhiên hành vi báo chốt CSGTvi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan Nhà nước, sẽ bị xử lý theo quy định.

Trao đổi với PV, luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết tại Điều 7 Thông tư 32/2023/TT-BCA nêu rõ một trong các nhiệm vụ của CSGT là tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Các hình thức tuần tra, kiểm soát giao thông của CSGT được quy định tại Điều 10 Thông tư 32 gồm:

- Tuần tra, kiểm soát cơ động bằng cách di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công.

- Kiểm soát tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường.

- Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm hoặc tại Trạm CSGT.

Tất cả các hình thức tuần tra, kiểm soát giao thông kể trên đều phải thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư 32/2023/TT-BCA yêu cầu việc tuần tra, kiểm soát giao thông tại một điểm trên đường phải lựa chọn địa điểm có mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.

Như vậy, CSGT có thể lập chốt kiểm soát giao thông tại bất cứ đoạn đường nào đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông, CSGT thường sẽ lập chốt tại các đoạn đường hay xảy ra vi phạm, các điểm nóng giao thông.

Bên cạnh đó, tại Thông tư 67/2019/TT-BCA cho phép nhân dân giám sát hoạt động của lực lượng CSGT trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Hành vi báo chốt CSGT là vi phạm pháp luật. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Tuy nhiên, người dân không được tùy tiện đưa các thông tin, hình ảnh CSGT đang thực hiện nhiệm vụ lên các mạng xã hội, đăng tin trong các hội nhóm.

Trường hợp lập nhóm Facebook, Zalo và đưa các thông tin, hình ảnh về chốt CSGT lên đó, người dân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”.

Lỗi vi phạm được xác định ở đây là “hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích” theo quy định của pháp luật.

Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020, mức phạt đặt ra đối với cá nhân lập nhóm báo chốt CGST là từ 5 đến 10 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới