Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng DN thân hữu gồm có ba nhóm là DN nhà nước, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài và một số ít DN tư nhân của Việt Nam. Còn lại là DN không thân hữu mà chủ yếu là DN nhỏ và vừa.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cũng rất nhiều lần đề cập đến quan hệ thân hữu khi phát biểu về mối quan hệ giữa Nhà nước và DN trong quá trình phát triển. Ông Cung chỉ ra rằng chính quan hệ thân hữu làm cho môi trường kinh doanh méo mó, sai lệch, thiếu minh bạch và không thể dự báo.
“Một môi trường kinh doanh như vậy sẽ tạo ra sự thiên vị quá nhiều cho DN nhà nước và những DN tư nhân có mối quan hệ chặt chẽ về lợi ích, từ đó có thể dẫn đến những quyết sách thiếu tính công bằng” - ông Cung nói.
Thực tế, khi DN có mối quan hệ thân tín với cơ quan công quyền sẽ dễ dàng tiếp cận vốn, đất đai, cơ chế… hơn những DN không có mối quan hệ này. Nói cách khác, sự tồn tại của quan hệ thân hữu giữa DN và chính quyền khiến cho việc tiếp cận các nguồn lực chưa được bình đẳng, làm giảm khả năng sinh lời và ảnh hưởng tới khả năng tồn tại của các DN làm ăn chân chính.
Điều này cũng có nghĩa là nhiều DN tồn tại không phải dựa trên năng lực và nỗ lực của chính mình mà dựa vào quan hệ. Hệ quả là chính bản thân họ rất khó phát triển bền vững, rất khó có thể cạnh tranh với các đối thủ quốc tế.
Bình luận về vấn đề này, tổng giám đốc một tập đoàn lớn cho hay trước đây không ít DN cho rằng quan hệ thân hữu với chính quyền là “chuyện của người khác” hoặc là “lộc trời cho từng người”. Họ coi quan hệ thân hữu là một lợi thế trong kinh doanh, trong việc tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thông tin…
Tuy nhiên, hiện nay tâm lý này đã có phần giảm đi và nhiều DN đã bắt đầu bức xúc với việc lợi dụng quan hệ thân hữu với chính quyền để làm ăn, kinh doanh. “Các nhà hoạch định chính sách không nên coi thường sự bức xúc này và cần phải quan tâm đến bức xúc của DN khi xây dựng chính sách liên quan đến phát triển DN” - vị tổng giám đốc trên cảnh báo.
Bởi xét cho đến cùng, DN có phát triển bền vững hay không phụ thuộc vào môi trường kinh doanh bình đẳng, công khai và minh bạch. Để kiến tạo được môi trường kinh doanh như vậy thì yêu cầu quan trọng là phải kiểm soát được hoặc giảm thiểu quan hệ thân hữu, vốn đang làm sai lệch bản chất của thị trường. Dĩ nhiên để làm được điều này cần nỗ lực cả hai phía: DN và Nhà nước, trong đó Nhà nước phải luôn luôn đi trước.