Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư 23/2019 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014 về dịch vụ trung gian thanh toán), sau ngày 7-7-2020, những tài khoản ví điện tử chưa xác thực sẽ bị tạm khóa dịch vụ.
Cụ thể, nếu chủ tài khoản nào chưa hoàn tất việc xác thực ví điện tử thì sẽ không thể thực hiện được bất cứ hoạt động chuyển tiền, thanh toán dịch vụ nào nữa.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Việc định danh ví điện tử có thể khiến người dùng cảm thấy bất tiện, thế nhưng đây cũng là bước cần thiết để người dùng ví có thể giữ tiền của mình an toàn hơn.
Chị Như Mai, nhân viên văn phòng, kể lại sự việc 20 triệu đồng của chị trong tài khoản liên kết với ví bỗng chốc bị bốc hơi.
Chị Mai cho biết thông thường khi quên mật khẩu truy cập tài khoản ngân hàng Internet banking, Mobile banking thì chủ tài khoản phải khai báo hàng loạt thông tin như số tài khoản, số CMND, ngày cấp CMND, số điện thoại, giao dịch gần nhất. Thậm chí có ngân hàng còn yêu cầu phải đến chi nhánh gần nhất để khai báo thông tin cá nhân và đối chiếu chữ ký thì mới cấp mật khẩu mới.
Thế nhưng trước khi chưa có việc cung cấp thêm các thông tin để định danh ví điện tử như quy định tại Thông tư 23 thì việc cấp mật khẩu mới rất đơn giản. Khi quên mật khẩu tôi chỉ cần nhấn vào dòng chữ “Quên mật khẩu” của ví điện tử, ngay lập tức tổng đài sẽ cấp cho tôi mật khẩu mới.
“Đó cũng là nguyên nhân để người quen của tôi tranh thủ lúc tôi sơ ý đi ra ngoài thì thao tác lấy mật khẩu mới trên ví điện tử của tôi và chuyển toàn bộ số tiền 20 triệu trong tài khoản liên kết với ví sang một tài khoản khác” - chị Mai nói.
Khách hàng đang thực hiện giao dịch thanh toán qua ví điện tử Momo. Ảnh: T.LINH
Hiện nay, một số ví điện tử như Momo, VNpay, Payoo đều khuyến cáo người tiêu dùng cần phải bổ sung thông tin cá nhân như số CMND, ngày cấp, mặt trước, mặt sau, chụp ảnh chủ tài khoản ví điện tử… Đây là yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn cho tài khoản của người dùng.
Tuy nhiên, vẫn có loại ví điện tử không hề thông báo cho khách hàng bất cứ thông tin nào mà vẫn khóa ví khiến khách hàng phải lo lắng.
Chị Thu Hà ở quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ: “Theo quy định thì từ ngày 8-7, nếu không thực hiện việc định danh trên ví điện tử thì người dùng không thể chuyển tiền được. Thế nhưng ví điện tử M. đã làm khó tôi từ giữa tháng 5.
Trước đó, tôi không hề nhận được bất cứ thông báo, khuyến cáo nào của ví điện tử M. để nhắc nhở về việc cần phải bổ sung các thông tin cá nhân để hoàn tất việc định danh. Vậy mà đùng một cái tài khoản ví điện tử của tôi bị khóa trong khi tôi đã chuyển toàn bộ số dư trong thẻ ATM của một ngân hàng sang ví điện tử để thanh toán các giao dịch như điện, điện thoại, dịch vụ Grab…”.
Cũng theo chị Hà, sau đó chị thực hiện việc định danh cũng không hề dễ dàng, app liên tục báo lỗi. Gọi điện thoại cho tổng đài thì được hướng dẫn xóa app đi rồi cài đặt lại. Chị phải xóa đi xóa lại mấy lần mới cài đặt xong.
Anh Bá Huy ở quận Tân Bình, TP.HCM cho biết anh cảm thấy lo lắng về việc cung cấp thông tin cá nhân để xác thực ví điện tử.
Theo anh Huy, khi mở tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử thì người dùng đã phải cung cấp đầy đủ thông tin, bao gồm cả CMND cho phía ngân hàng. Giờ ví điện tử lại yêu cầu định danh thêm một lần nữa. Khi cung cấp thông tin cá nhân cho đơn vị thanh toán trung gian thì liệu những dữ liệu cá nhân có thể được bảo mật tốt như khi cung cấp cho ngân hàng hay không.
Xác thực tài khoản để bảo vệ khách hàng
Để hỗ trợ người dùng thuận tiện trong việc định danh ví điện tử Payoo, ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc điều hành VietUnion, đơn vị quản lý ví Payoo, cho biết đã và đang triển khai giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ người dùng xác thực tài khoản.
Payoo khuyến khích khách hàng nếu chưa định danh ví điện tử thì hãy dành ra ít phút để thực hiện ngay, chỉ với vài thao tác đơn giản để giúp tăng tính pháp lý và bảo vệ tài khoản của mình.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết việc xác thực ví điện tử được thực hiện ở một số đơn vị có thể chưa tạo sự thuận tiện cho người dùng. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán buộc phải xác thực tài khoản chính nhằm để bảo vệ khách hàng và gia tăng bảo mật tốt hơn.
Cũng theo ông Minh, nguy cơ rủi ro lớn nhất khi thanh toán trực tuyến trên không gian mạng là sự ẩn danh. Do đó, việc xác thực danh tính của khách hàng với ví điện tử là yêu cầu cần thiết.
Phải giữ bí mật thông tin khách hàng Liên quan đến việc lo ngại về tính bảo mật thông tin cá nhân của ví điện tử, tại Nghị định số 101/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt và Luật An toàn thông tin mạng quy định, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát, cảnh báo, chỉ đạo các dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trung gian thanh toán. Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra dịch vụ trung gian thanh toán để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước |