Việc nên khai thác du lịch đối với các di tích thiên nhiên nói chung và hang Sơn Đoòng nói riêng như thế nào đang thu hút được sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Theo đó nhiều ý kiến là nên hướng đến hình thức khai thác du lịch cao cấp, vừa thu nhập cao vừa bảo vệ được di tích.
"Bức tử" di tích
ThS Trương Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Exotic, một người từng nhiều năm khám phá với các điểm đến du lịch trong nước, cho biết: Ông là một trong những người đầu tiên hân hạnh được đặt chân đến động Phong Nha. Thời gian đầu khu di tích này thật sự là một quang cảnh tuyệt vời. Điều thú vị nhất là việc cảm nhận được chất hoang sơ, thiên nhiên hùng vĩ trong di tích. Thế nhưng sau một thời gian dài khai thác, khu du lịch này đã mất đi bản chất ban đầu.
“Hiện nay Phong Nha có nhiều kiểu hư, do chủ quan khai thác và cả khách quan. Việc có nhiều du khách tác động dù là vô tình hay cố ý đã gây nên những thay đổi tiêu cực. Một lý do khác là việc khai thác san lấp thạch nhũ để làm đường, bắt đèn cho du khách ngắm cảnh. Thân nhiệt của con người, đèn và nhiều yếu tố đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tái tạo thạch nhũ. Một vài chuyến đi sau này, thực tế với tôi thì những cảm nhận về mảng du lịch thiên nhiên ở đây đã không còn trọn vẹn như trước” - ông Phương đánh giá.
Cũng theo ông Phương, không chỉ với Phong Nha, một minh họa khác với việc khai thác du lịch đại trà là Nha Trang. Do trình độ quy hoạch kém nên các điểm du lịch vốn từng mệnh danh “TP biển” đã không còn đúng bản chất. Theo đó các nhà quản lý đã dần cắt biển với TP. Ở Nha Trang, với việc quy hoạch quá nhiều nhà cao tầng khiến không gian biển gần như bị ngăn cách với TP. Trong tương lai các vấn đề về ô nhiễm và nhiều yếu tố khác sẽ xuất hiện khi xuất hiện nhiều dự án nghỉ dưỡng cao tầng tại đây.
Theo một chuyên gia chuyên về du lịch, một điểm đến khá nên thơ là Đà Lạt, nơi từng được mệnh danh là “TP mộng mơ”. Nhưng sau một thời gian dài khai thác du lịch đại trà và hàng loạt thay đổi về quy hoạch kiến trúc, TP mộng mơ năm nào giờ mất dần chất thơ mộng vì ô nhiễm và những dịch vụ ăn theo du lịch. Dễ nhận ra nhất là trường hợp thác Cam Ly - từng là một cảnh thác đẹp Đà Lạt giờ đây lâm vào ô nhiễm nặng vì rác, mà nguyên nhân chủ yếu là do con người.
Và nếu Sơn Đoòng mở cửa đại trà chắc chắn di tích này cũng sẽ xuống cấp như nhiều điểm đến du lịch khác.
Nếu khai thác không đúng cách thì Sơn Đoòng sẽ dễ dàng bị hủy hoại.
Cần có kế hoạch khai thác cụ thể
“Theo tôi, đối với di sản thiên nhiên như Sơn Đoòng đây có thể xem là tài sản có giá trị lớn của quốc gia. Nên tôn trọng thiên nhiên, bảo tồn, duy tu và hỗ trợ duy trì phát triển tự nhiên các hệ sinh thái và cân bằng tự nhiên các hệ sinh thái cho sự ổn định và phát triển vững bền. Hạn chế tối đa việc khai thác đại trà như đưa xi măng, sắt thép, gạch đá, công trình xây dựng vào làm mất cân bằng tự nhiên. Nếu việc khai thác nhanh theo lượng, đưa các công trình bê tông, cơ khí, cáp treo hay thiếu quy hoạch vùng sẽ khó bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên” - chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Bảo Anh, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, phân tích: cơ quan quản lý có thể nghiên cứu sử dụng nhiều công cụ để điều tiết và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong quá trình khai thác. Ví dụ thu phí cao, hạn chế số lượng khách một lần tham quan, quy định giờ giấc tham quan theo từng mùa, thời tiết, hạn chế độ tuổi được tham quan hay những quy định về thiết bị, dụng cụ tham quan... là những công cụ điều tiết phổ biến của cơ quan quản lý.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho biết phương thức khai thác chỉ nên là lượng khách nhỏ, với hình thức chỉ đi bộ vào, mang mọi thứ vào rồi lại mang ra hết, trả lại không gian như cũ. Tránh mọi tác động mạnh từ bên ngoài hay do con người gây nên có thể gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường cần được giữ gìn vẻ mỹ quan lâu dài theo năm tháng… Loại hình khai thác ở đây nên là loại hình du lịch khám phá và thu phí cao đối với du khách (có thể lên đến giá 5.000 USD/chuyến sáu ngày năm đêm vì đây là một điểm mang tính rất đặc sắc trên thế giới).
Cũng theo ông Thắng, đây là loại hình mang tính phiêu lưu và mạo hiểm, mặt khác đối với du khách ngoài việc phải có một sức khỏe cực tốt thông qua kiểm tra sức khỏe để được chọn tham gia hay được đăng ký còn phải chịu một chi phí khá đắt nên sẽ hoàn toàn không phù hợp để phổ biến đại trà. Đây không thể là trường hợp như của Hạ long. Tuy nhiên, cần lưu ý là các hướng dẫn viên phải được đào tạo theo đẳng cấp quốc tế để bảo đảm chất lượng phục vụ không hề thua kém thế giới. Nên cho đào tạo hướng dẫn viên có sức khỏe rất tốt, có kỹ năng đi rừng, leo núi bởi các công ty cung ứng dịch vụ rất chuyên nghiệp trên thế giới.
Bài học từ nước ngoài
Ông Thắng cho biết trên thế giới có nhiều hang động nổi tiếng được phát hiện và khai thác cho mục đích du lịch như hang Ingleborough (Anh) hang Onondaga (Mỹ), hang Jeita Grotto, Lebanon… Cách thức khai thác các hang động nổi tiếng đều tuân thủ nguyên tắc hạn chế tối đa tác động đến cảnh quan tự nhiên của hang động. Theo đó tôn trọng và giữ gìn giá trị tự nhiên độc đáo trong hang động, những thứ mà phải mất rất rất nhiều năm mới được hình thành từ thiên nhiên. Các hình thức du lịch phải bảo đảm sự cân bằng hài hòa với tự nhiên, hướng tới phát triển bền vững và thể hiện bản chất văn hóa đặc thù.
Trước năm 2008, Vườn quốc gia Chiquibul cùng hệ thống hang động cổ xưa liên quan đến quá trình sinh sống và phát triển của người Maya ở Belize bị đe dọa bởi các hoạt động nông nghiệp, cháy, khai thác gỗ bất hợp pháp, cướp bóc các hiện vật văn hóa và phá hoại tài sản của cả văn hóa và địa chất. Năm 2009, các chuyên gia ở Tennessee (nơi quản lý hơn 10.000 hang động tìm thấy ở Mỹ) đã đến Belize thăm các hang động và tham gia các hội thảo lập kế hoạch bảo tồn cho Chiquibul. Họ tham gia cùng lực lượng cán bộ chủ chốt từ Cục Lâm nghiệp của Belize, Viện Khảo cổ học, đối tác bạn bè chuyên về bảo tồn để bảo tồn và phát triển, Bộ Quốc phòng Belize, Hội đồng Du lịch và các nhà nghiên cứu hang động Belize để vạch ra các chiến lược giúp bảo vệ kỳ quan dưới lòng đất này. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các ban bảo vệ, sự hỗ trợ tài chính từ các chương trình đến từ Tennessee và hơn một năm nghiên cứu khoa học, phân tích dữ liệu và lập kế hoạch của các đối tác, một kế hoạch quản lý năm năm đã được trình bày vào tháng 2-2010 cho Viện Khảo cổ học ở Belize.
Kế hoạch này xác định các mối đe dọa mà hệ thống hang động Chiquibul phải đối mặt và các bước tiến hành được đề ra để giảm thiểu những mối đe dọa. Họ có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và dự trù kinh phí cần thiết để duy trì các hang động, ví dụ việc cho ra đời một trang web hàng đầu thế giới về tầm quan trọng văn hóa, khảo cổ học, địa chất và sinh học tuyệt vời. Đồng thời gồm một điều khoản để mở một phần nhỏ của hang động để khách được tiếp cận du lịch mạo hiểm trên một cơ sở rất hạn chế và giúp bảo tồn di tích lịch sử, cảnh đẹp thiên nhiên để chúng không bị tàn phá theo thời gian. Cuối cùng, kế hoạch bao gồm các khuyến nghị cụ thể liên quan đến nghiên cứu và giám sát, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, du lịch và sử dụng công cộng khác. Các chuyên gia đã có một kế hoạch quản lý tại chỗ cho các hệ thống hang động và đã tiến hành vô số cuộc thám hiểm vào các khu vực hang động trên 15 năm qua và được vinh dự là nhà quản lý di sản thiên nhiên độc đáo này.
Dẫn chứng thêm, ông Bảo Anh chia sẻ: Di tích Stonehenge của Vương quốc Anh được khai thác và bảo tồn rất tuyệt vời. Cơ quan quản lý đã đầu tư cơ sở vật chất và dịch vụ phục vụ du khách rất tốt và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Điểm đón khách được đầu tư hiện đại, được quy hoạch ở khá xa điểm tham quan. Du khách đến tham quan có thể mua vé đi bằng xe điện hoặc tự đi bộ để đến xem di tích. Du khách trở về đến điểm đón khách có thể ăn uống, nghỉ ngơi hoặc mua đồ lưu niệm do người dân địa phương sản xuất. Việc bảo vệ môi trường, di tích được thực hiện khá nghiêm ngặt. Và tất nhiên là phí tham quan ở đây khá cao. Hay hang động băng đá (Ice Cave) lớn nhất thế giới ở Salzburg (Áo) cũng là một điển hình cho việc tổ chức khai thác và bảo tồn rất tốt. Di tích cũng được nằm khá xa điểm đón khách và cộng đồng dân cư nhằm mục đích kiểm soát việc tác động môi trường tự nhiên từ hoạt động du lịch. Đến tham quan, du khách được phổ biến khá kỹ về nội quy, quy định khi tham quan hang động bằng thông tin trên trang web của di tích, bảng thông tin trên đường đi đến hang và trong lòng hang động. Nhiều dịch vụ được đầu tư nhằm cung cấp tiện ích cho du khách và tất nhiên có thu phí…
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM: Phải có quy định rõ ràng với đơn vị khai thác Nên tính toán số lượng công ty khai thác, có thể có vài ba công ty cùng khai thác du lịch nhưng phải bảo đảm các tiêu chí bảo vệ cảnh quan môi trường, chất lượng phục vụ phải thuộc loại xuất sắc, được cho điểm bởi tổ chức quốc tế về loại hình này và được bình chọn là phục vụ đạt yêu cầu bởi các du khách. Nhiều hơn một công ty nhưng không quá nhiều công ty đến mức không kiểm soát được chất lượng dịch vụ, để tạo sự đa dạng về phong cách phục vụ và tạo sự thu hút khách du lịch mạo hiểm tốt hơn. Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến: Nên mời chuyên gia quốc tế tư vấn Cần chọn tổ chức doanh nghiệp (DN) công ích có chuyên môn, thậm chí mời chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm và uy tín đóng góp, phản biện cho các kế hoạch của tổ chức. Theo sát, hỗ trợ, điều chỉnh, xử lý kịp thời, đúng mức khi DN cần và thực thi, tránh việc để DN chạy theo lợi nhuận, tự tung tự tác, không thực thi các cam kết theo kế hoạch lộ trình đã được đóng góp phản biện, hoàn thiện và được duyệt. ThS Trương Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Exotic: Khai thác kiểu nào cũng phải biết bảo tồn Khai thác phải gắn bảo tồn, lấy bảo tồn là chính. Thực tế dù là rất ít người được phép đi vào tham quan Sơn Đoòng nhưng không phải ít người là không tác động đến môi trường của di tích. Thế nên quan trọng nhất là những quy định về bảo tồn và phải yêu cầu DN thực hiện. Điều này gắn với quyền lợi, cụ thể là nếu làm hỏng di tích thì đơn vị khai thác sẽ bị phạt. Nếu có những quy định rõ về bảo tồn chắc chắn việc thực thi sẽ hiệu quả hơn. |